"Chúng tôi sẽ đưa ra kết luận tùy thuộc vào việc NATO sẽ sử dụng lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng và rộng rãi như thế nào. Chắc chắn điều này sẽ được thực hiện vì cả Helsinki và Stockholm đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau với Mỹm, liên quan đến việc triển khai cơ sở hạ tầng của liên minh ngay trên biên giới với Nga”, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Oman Sayyid Badr bin Hamad bin Hamoud Al Busaidi, vào ngày 11/7.
"Tất cả các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga sẽ được bảo vệ. Các biện pháp cần thiết [sẽ được thực hiện]; chúng tôi biết những biện pháp này nên là gì và làm thế nào để đưa chúng vào thực tế", ông Lavrov nói thêm.
"Thật đáng ngạc nhiên khi cả Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ vị thế trung lập và những lợi thế mà điều này mang lại cho họ trong nhiều thập kỷ, đảm bảo vai trò tương đối độc lập, cũng như danh tiếng và uy quyền của họ ở châu Âu và trên trường quốc tế", vị Ngoại trưởng chia sẻ.
Theo ông Lavrov, hai nước cũng từ bỏ những lợi ích từ các mối quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư đặc biệt và các mối quan hệ khác với Nga. "Tất cả lợi ích quốc gia của Phần Lan và Thụy Điển đã bị hy sinh vì nhu cầu đoàn kết phương Tây trong cuộc chiến chống lại Nga", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 11/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết về việc kết nạp Thụy Điển vào NATO sau cuộc hội đàm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, diễn ra vào đêm ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO, ở Vilnius.
Thụy Điển tái khẳng định không hỗ trợ các nhóm ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và tích cực hỗ trợ nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO, từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên NATO.
Trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 năm nay, Thụy Điển vẫn đang chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận. Ankara được coi là trở ngại lớn trên con đường gia nhập NATO của Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Thụy Điển không hành động đủ quyết liệt để chống lại các đối tượng mà Ankara coi là những kẻ khủng bố, chủ yếu là các thành viên của PKK.
Mộc Miên (Theo TASS)