Ngày 4/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, nếu vũ khí tầm xa được chuyển cho Ukraine, Moscow sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa.
"Rõ ràng chúng ta cần lập vùng đệm trong tương lai để đảm bảo không gì bay vào được. Không ai biết kích cỡ vùng đệm là bao nhiêu, nhưng nên đủ dùng. Nếu Ukraine muốn có được vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, vùng đệm này có thể kéo dài tới tận Ba Lan", ông Medvedev nói.
Hồi tháng 5, ông Medvedev cũng từng nói, Ukraine hiện sở hữu tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ với tầm bắn lên đến 500km, trong khi khoảng cách giữa vùng biên giới Belgorod của Nga và thủ đô Kiev của Ukraine chỉ là 429km. Do vậy, Nga cần lập một vùng đệm có khoảng cách lớn hơn khoảng cách đó 70-100km.
"Nếu điều này tiếp tục (phương Tây cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine), vùng đệm an ninh sẽ mở rộng đến biên giới Ba Lan, thậm chí vào bên trong lãnh thổ Ba Lan. Nếu không, an ninh tại các thành phố và làng mạc của Nga sẽ không được đảm bảo", ông Medvedev cảnh báo.
Vùng đệm an ninh là khu vực ngăn cách hai lực lượng đang giao tranh. Trong xung đột Nga - Ukraine, việc thiết lập vùng đệm có tác dụng giúp các vùng lãnh thổ của Moscow và Kiev nằm ngoài tầm bắn của đối phương.
Khái niệm vùng đệm đã được Nga nêu ra nhiều lần. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng Moscow có thể cân nhắc việc tạo ra một vùng đệm trên lãnh thổ Ukraine, nếu các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga vẫn tiếp diễn.
Theo ông Medvedev, Mỹ sẽ tiếp tục chuyển vũ khí cho Ukraine, bất kể kết quả bầu cử tổng thống ra sao bởi Washington "được hưởng lợi từ việc này".
"Không nên ảo tưởng, sẽ không có nhiều khác biệt giữa Donald Trump và Kamala Harris. Tuy nhiên, một người sẽ làm điều đó theo cách điên cuồng, trong khi người kia hành động cẩn trọng hơn", ông nói. "Mỹ thu được lợi nhuận tối đa từ tình thế bế tắc này. Họ kiếm tiền từ mọi thứ, làm bẽ mặt châu Âu và chẳng mất gì".
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra một ngày sau khi ba quan chức Mỹ cho biết sắp đạt thỏa thuận cung cấp tên lửa hành trình JASSM tầm bắn 370 km cho Ukraine, song quá trình sẽ mất vài tháng.
Ba Lan và Ukraine hiện chưa lên tiếng về phát biểu của ông Medvedev
Tuy nhiên, kịch bản vùng đệm an ninh mở rộng đến biên giới Ba Lan khó xảy ra bởi động thái này của Nga có thể sẽ kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.
Ba Lan là thành viên của NATO. Bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một nước thành viên sẽ bị coi là tấn công hay đe dọa toàn liên minh quân sự gồm 32 thành viên do Mỹ dẫn dắt, khi đó NATO có quyền đáp trả tập thể, theo Dân Trí.
Trong một diễn biến liên quan, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga nhận thấy “mức độ can dự của Mỹ vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine đang không ngừng gia tăng”, song chưa có dấu hiệu xu hướng nguy hiểm này đã đạt tới mức giới hạn.
Tuy nhiên, Nga phải tính đến các hành động phá hoại của phương Tây và “đảm bảo lợi ích quốc gia, bảo vệ bản thân trước mọi rủi ro mới nổi và đảm bảo tương lai an toàn đáng tin cậy cho các thế hệ tương lai”.
Ông Peskov cũng cáo buộc rằng Mỹ “đang dẫn đầu quá trình gây căng thẳng” và ép buộc châu Âu tăng chi tiêu quân sự và “phá hoại” an ninh của “lục địa già”.