(ĐSPL) – Thủ tướng New Zealand John Key tiết lộ, ít nhất 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương do ảnh hưởng của trận động đất 7,4 độ richter xảy ra hôm 13/11.
Đường sá hỏng do động đất. Ảnh: AP |
VOV đưa tin, nạn nhân đầu tiên thiệt mạng sinh sống ở thị trấn Kaikoura, nạn nhân thứ hai ở vùng núi Lyford, phía Bắc Christchurch. Cảnh sát đang tìm cách tiếp cận khu vực nhà ở có người thiệt mạng này.
[mecloud]xrEC0usgYk[/mecloud]
Thủ tướng John Key cho hay: “Khu vực này đã bị chia cắt trong trận động đất. Do vậy, công việc cứu hộ ban đầu sẽ gặp chút khó khăn. Bên cạnh đó, một chiếc trực thăng khác sẵn sàng ứng cứu ở thủ đô Wellington. Ngay khi đánh giá được toàn bộ thiệt hại, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tiếp theo”.
Thanh Niên dẫn tờ New Zealand Herald cho biết, tại thủ đô Wellington, nhiều người đã đổ xuống đường phố la khóc và còi báo động vang lên khắp nơi. Vùng Canterbury ở Đảo Nam bị ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất. Đường dây nóng của sở cảnh sát cũng bị hư hỏng do ảnh hưởng từ trận động đất này, theo CNN.
Bộ phòng vệ dân sự và quản lý khẩn cấp New Zealand thông báo toàn bộ các vùng ven biển ở New Zealand đều có nguy cơ hứng chịu sóng thần. Trong đó, nơi dự kiến hứng chịu những đợt sóng cao nhất (3-5 m) là vùng duyên hải từ phía đông bắc Đảo Nam và tại quần đảo Chatham, theo Sydney Morning Herald. Các vùng còn lại ở bờ biển phía đông New Zealand có thể có sóng cao từ 1-3 m.
CNN dẫn thông báo của Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) cho hay những đợt sóng cao 2,49 m trên mức thủy triều bình thường đã được đo đạc tại vùng biển gần tâm chấn của trận động đất.
Đài Radio New Zealand thì thống kê có hàng loạt đợt dư chấn xảy ra ở nhiều nơi (hầu hết tại vùng Canterbury) sau trận động đất đầu tiên, cường độ dao động từ 4,6-6,2 độ Richter.
Nhà chức trách New Zealand phải ban bố cảnh báo sóng thần và người dân sống ven khu vực bờ biển đã được lệnh di tản vào sâu trong đất liền hoặc đến nơi cao hơn. New Zealand nằm trên “Vành đai lửa”, nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất và phun trào núi lửa.
Điều 7. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai (Luật phòng, chống thiên tai Việt Nam) 1. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm vật tư, phương tiện, trang thiết bị của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự chuẩn bị. 2. Hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước và hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm: a) Cơ sở hạ tầng thông tin gồm hệ thống thông tin công cộng và trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; thiết bị quan trắc tự động truyền tin; hệ thống thông tin cảnh báo sớm; b) Cơ sở dữ liệu về thông tin gồm cơ sở dữ liệu về khí tượng, thủy văn, hải văn, động đất, sóng thần; cơ sở dữ liệu về thiên tai và thiệt hại thiên tai; cơ sở dữ liệu về hệ thống công trình phòng, chống thiên tai; cơ sở dữ liệu về công trình hạ tầng có liên quan đến phòng, chống thiên tai; số liệu quan trắc và truyền phát tự động tại thời điểm thiên tai đang diễn ra. 3. Nhu yếu phẩm của tổ chức, cá nhân và hàng hóa, vật tư, thiết bị thuộc dự trữ quốc gia của cơ quan nhà nước phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống, hóa chất, thiết bị xử lý nước, thuốc khử trùng và vật phẩm cần thiết khác để bảo đảm đời sống nhân dân khi thiên tai xảy ra. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
GIA BẢO(Tổng hợp)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]PvgaOHX7vl[/mecloud]