Con bệnh nặng nhưng chị Thời, mẹ cháu bé vẫn cố gắng đi làm để kiếm tiền. Ngoài công việc, anh Nguyên, cha cháu bé là người chăm sóc con. Họ nghẹn ngào: "Tôi mong tất cả những chuyện này chỉ là một cơn ác mộng.
Anh sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, anh lập gia đình rồi sinh con, sống một cuộc đời giản dị. Anh là Vũ Huy Nguyên (sinh năm 1985), vợ anh là chị Hoàng Thị Thời (sinh năm 1987), trú tại thôn Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Anh luôn nghĩ đồng lương công nhân ba cọc, ba đồng của vợ chồng anh cũng đủ cho gia đình mình chạy ăn hàng ngày. Cũng sẽ cố gắng tằn tiện để nuôi hai đứa con đứa lên 5, đứa lên 3 của mình ăn học đàng hoàng để chúng thoát nghèo, không khổ như bố mẹ chúng ít học.
Kết hôn năm 2005, anh chị Nguyên Thời hiếm muộn phải chạy chữa nhiều nơi, mãi 5 năm sau ngày cưới chị có bé gái đầu lòng. Hai năm sau, chị mang thai cháu thứ 2, niềm vui nhân đôi khi cháu là con trai - gia đình anh chị có đủ nếp đủ tẻ. Anh chị đặt cho cháu cái tên rất đẹp Vũ Huy Hoàng Bách (sinh năm 2012).
Dù nghèo, vất vả nhưng lúc nào anh chị cũng lạc quan. Chị làm công nhân điện máy, làm đủ 12 tiếng cả đêm mới xong. Anh thì công việc bấp bênh hơn, đi làm thuê, lương thì cũng tùy vào từng đợt hàng, nói cho có chứ đợi vào đồng lương của anh thì bữa đói, bữa no. Vì vậy, bên cạnh công việc bấp bênh của mình, anh Nguyên thường xuyên chăm sóc dạy bảo con.
Ngày Bách chưa đổ bệnh, bé ngoan lắm, ăn no rồi lại ngủ chẳng quấy bố mẹ bao giờ. Vậy mà, hồi tháng 8 vừa rồi bé biếng ăn, cứ sụt cân mãi, quấy khóc mà cứ kêu “mẹ ơi, con đau bụng”. Anh chị cũng chỉ nghĩ bé biếng ăn, hay bị bệnh đường ruột nhưng khi những cơn đau của con ngày càng tăng, anh mới dắt túi ít tiền đưa bé đi viện, bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương phải thốt lên rằng “ba tuổi gì mà bé thế này sao?”.
Cậu bé da bọc xương là tên gọi mà nhiều người gọi bé Bách trong bệnh viện này. |
Đơn giản bởi, bé quá gầy. |
Thi thoảng chị Thời nghỉ việc xuống chăm con nhưng hầu như đa số thời gian còn lại, anh Nguyên chăm sóc cậu con trai của mình ở nhà lẫn trong viện. |
Tai họa không chừa cái gia đình nghèo bé nhỏ của anh, Bách mới lên 3 đã phải chịu một cái án tử treo lủng lẳng trên đầu mang tên “Ung thư máu”. Cuộc sống của gia đình anh bế tắc, giờ là một con đường mòn khi hàng đêm mất ngủ với lời nguyện cầu "Tôi mong tất cả những chuyện này chỉ là một cơn ác mộng".
Anh bảo: "Bình thường cháu ngoan lắm nhưng giờ cháu hay cáu kỉnh, buồn bã, lầm lì, lười ăn, thương lắm cô ạ". |
Hai cổ tay bé xíu của bé chằng chịt nốt lấy ven. |
Những lúc con đau quá, ông bố trẻ lại thẫn thờ ôm con khắp hành lang bệnh viện để dỗ. |
Bệnh án của con khiến ông bố bà mẹ trẻ không ngừng khóc. |
Anh Nguyên quệt nước mắt tâm sự: "Đưa con đi viện, tôi chỉ nghĩ, chắc con bị bệnh đường ruột. Nhưng khi cầm bệnh án trong tay, tôi bủn rủn chân tay, nhìn con rồi lại nhìn vào bệnh án. Thú thực, cả đời tôi chưa bao giờ khóc vậy mà hôm đó..."
Chị Thời sau khi biết tin, chị cuống cuồng chạy lên Hà Nội, chị khóc ngất, luôn miệng hỏi bác sĩ: “Ung thư máu thì có chữa được không bác sĩ ơi, bác sĩ cứu con cháu với”. Chị ít học, đâu biết “Bạch cầu tủy” hay “ung thư máu” là gì? Chị chỉ biết nó ghê gớm lắm, "nó sẽ giết con chị, bệnh nan y vô phương cứu chữa rồi".
Anh nhớ mãi, rành rọt từng câu nói của bác sĩ bệnh viện nhi hôm đó: “Trước hết là điều trị bằng hóa chất, cũng kéo dài sự sống cho cháu được vài tháng. Gia đình có điều kiện thì cho cháu ghép tủy chi phí khoảng 500 – 600 triệu thì sự sống của cháu sẽ kéo dài hơn”. Gia đình bé nhỏ của chị đang phải chạy ăn hàng ngày thì lấy đâu ra cả nửa tỷ cho cháu đi phẫu thuật.
Ngày cháu kết thúc đợt điều trị lần thứ nhất, bác sĩ cho cháu về nhà hẹn 20 ngày sau đến điều trị lại. “Nhìn con nằm bệt 1 chỗ, tôi như chết đi sống lại. Một đứa bé mới đây thôi còn chạy nhảy vậy mà giờ bé nằm bất động chả cười chả nói. Nếu được chết thay con thì tôi cũng sẽ làm”, anh Nguyên xúc động nói.
Sau đó, bé Bách được chuyển sang viện Huyết học để truyền máu. |
Bé bị thiếu máu nghiêm trọng, bé gầy gò chỉ còn lấy da bọc xương, da cháu thì vàng vọt với cái bụng trướng to lên như một kíp nổ, lá lách, gan của cháu sưng to. |
Nhìn con nằm trên giường bệnh, khẽ khẽ khều tay bố: "Bố ơi con đau". |
Bé nằm đó điều trị cả tuần cả tháng nhưng bé không ăn gì, một giọt sữa cũng không, anh, chị cũng chẳng còn động lực để ăn uống, cùng nhịn theo bé. |
Nếu được chết thay con tôi cũng chết
Bệnh của bé ám ảnh anh chị mỗi đêm. Vợ chồng cũng vẫn động viên nhau thôi thì cố lên còn nước còn tát. Tiền không có dù rất muốn ở nhà chăm con nhưng chị cũng quyết phải đi làm. Anh ở nhà chăm sóc con. Ngày về, Bách không còn hoạt bạt như trước mà buồn bã, mệt mỏi, quấy khóc. Mỗi lần cho con ăn là anh phải bế bé đi khắp nhà.
Anh mắt đỏ hoe: “Nếu ghép tủy mà con tôi còn sống thì dù phải làm gì tôi cũng cố. Ông trời sao nỡ đối xử với gia đình tôi bạc bẽo như vậy”. Dù vậy, anh chị vẫn quyết định sẽ cố gắng cứu chữa cho con, dù con chỉ sống được một vài năm. "Nhưng tôi cũng y vọng y học lúc đó phát triển, bệnh con mình rồi cũng sẽ được cứu. Tôi không thể để con mình nằm đó mà chờ chết được”.
Làng trên, xóm dưới ai cũng thương cho cái hoàn cảnh của anh chị, thương cho anh chị sống tử tế mà con cái lại lận đận. Cả cái huyện Yên Mỹ cũng chưa có trường hợp nào bị bệnh giống bé Bách. Bên chính quyền địa phương cũng giúp đỡ một phần cho gia đình về bệnh tình của cháu nhưng tất cả cũng như muối bỏ biển, chẳng thấm vào đâu với số tiền khổng lồ đổ lên đầu của anh chị. Hiện anh chị đang nợ cả trăm triệu đồng vì những cuộc truyền máu khám chữa cho con, đàn lợn đàn gà trong nhà đã bán hết, "vay ai được tôi cũng đã vay không biết số tiền to kia xoay sở thế nào", anh ôm chặt con trong tay nói.
“Em chỉ ước rằng, ngủ một giấc rồi mọi chuyện sẽ chỉ là một cơn ác mộng. Sáng hôm sau, em lại thấy con em tươi cười, chạy tung tăng như ngày xưa vậy”, chi Thời nghẹn ngào.
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm video:
[mecloud]uQzvaZqgjH[/mecloud]