Gần 30 năm làm nghề mà cuộc đời cho là “thất đức”, Bác sĩ Hằng không nhớ hết mình đã làm bao nhiêu ca phá thai nhưng niềm an ủi lớn nhất trong nghề của chị là giữ lại được hàng trăm đứa trẻ vô tội mà bố mẹ chúng nỡ muốn dứt bỏ.
Cũng vinh dự được khoác lên mình chiếc áo blu trắng, thế nhưng những người làm nghề y như Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Thanh Hóa thì luôn cảm thấy nặng nề và ám ảnh. 28 năm làm nghề, bác sĩ Hằng đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu người, đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp trong xã hội, hàng nghìn ca phá thai đã được bác sĩ Hằng thực hiện.
Gần 30 năm trong nghề, Bác sĩ Hằng vẫn còn nguyên cảm giác nặng nề mỗi khi thực hiện công việc nạo phá thai |
“Đó là cái nghiệp...”
“Nếu cho vào vạc dầu thì tôi nằm trong những người đứng đầu…”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng đã mở đầu câu chuyện của mình với chúng tôi bằng một câu nói như vậy. Nghe thấy đượm buồn và có cái gì đó đầy dằn vặt tâm can.
“Đó là cái nghề, cái nghiệp buộc mình phải theo thôi, chứ làm nghề thầy thuốc mà liên quan đến công việc phá thai thì là cả một câu chuyện dài đầy ám ảnh”, chị chia sẻ.
Năm 1986, sau khi tốt nghiệp khoa ngoại sản, Trường đại học Y Thái Bình, bác sĩ Hằng được điều về Trạm kể hoạch sinh đẻ (nay là Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản), thuộc Sở Y tế Thanh Hóa.
Những ngày đầu vào trung tâm nhận nhiệm vụ, bác sĩ Hằng không nghĩ rằng mình có thể theo được cái nghề “nhạy cảm” này. Cho đến giờ, chị vẫn còn nhớ như in những cảm xúc nặng trĩu, một cái gì đó như là tội lỗi khi thực hiện những ca nạo phá thai đầu tiên trong cuộc đời làm nghề y. Chị bảo cái cảm giác nhìn những đứa trẻ mới lớn chúng như con mình nhưng do thiếu hiểu biết mà để xảy ra nông nỗi nên tìm đến chị, chị cảm thấy buồn và đau xót vô cùng.
Bao nhiêu năm qua, mỗi ngày chị phải thực hiện cao điểm lên đến trên dưới 20 ca nạo phá thai, còn trung bình cũng 10-15 ca. Có những ngày 15 ca nạo phá thai thì có đến 11 ca chưa lập gia đình. Đặc biệt, với những ca thai to khiến những khi thực hiện xong chị mất ăn, mất ngủ. Trong đầu vẫn luôn tự hỏi “Những đứa bé nào có tội tình gì đâu nhưng chúng không kịp được sinh ra và không được làm người” , rằng “tại sao mình lại chọn cái nghề này”... Nhưng rồi, chị lại tự an ủi, động viên mình “đó là cái nghiệp buộc mình phải theo” rằng “làm nghề này, trái tim mình phải thật lạnh”.
Sau gần 30 năm trong nghề, trải qua quá nhiều ca nạo hút thai, cảm giác ám ảnh, nặng nề, tội lỗi của những năm đầu bước vào nghề, giờ đây vẫn còn. Chỉ duy có điều giờ chị không còn nghĩ nhiều đến nó nữa.
Chị không giấu nỗi trăn trở của mình: “Tội lớn nhất là tội sát sinh con người. Với người thầy thuốc, việc phá thai thường xuyên cho người bệnh về bản chất cũng chính là chuyện sát sinh vì thế không phải riêng tôi mà tôi nghĩ bất kể ai làm cái nghề này cũng có cảm giác ấy”.
Với bác sĩ Hằng việc cứu được một đứa trẻ là một thành công lớn trong cuộc đời của mình |
Hàng trăm đứa trẻ vô tội được chị giữ lại
Chị vẫn trăn trở một điều rằng dù bây giờ đã có nhiều biện pháp tránh thai thế nhưng tỷ lệ phá thai vẫn không hề giảm. Điều đó chứng tỏ khâu tư vấn, tuyên truyền của nghành vẫn chưa đến nơi đến chốn. Cũng bởi thế mà cái ước mơ được thất nghiệp của chị vẫn là điều gì đó xa vời lắm.
Với chị làm cái nghề “sát sinh”, cái nghề mà nhiều người duy tâm cho là “thất đức” này thì việc giữ lại những đứa trẻ vô tội là một trong những màn đấu trí không hề nhỏ. “Câu đầu tiên trung tâm chúng tôi hỏi bất cứ ai đến đây nạo phá thai là lí do phá thai? Có vô vàn những lý do được đưa ra, nào là bố mẹ chồng bắt phá vì không hợp tuổi với chồng, đứa bé mà sống thì bố nó sẽ chết; cháu đang còn đi học, cháu chưa lấy chồng, hay anh ấy không lấy cháu… Tất cả các lý do đều được chúng tôi tư vấn kĩ càng. Tuy nhiên, đại đa số những phụ nữ đến trung tâm đều muốn phá thai, nhưng cũng có nhiều trường hợp, sau khi nghe tôi tư vấn, họ đã từ bỏ ý định đó”, bác sĩ Hằng nói.
Trong nghề của mình, chị không nhớ hết mình đã phá thai cho bao nhiêu người, nhưng những trường hợp mà chị giữ lại được đứa bé thì cũng phải lên đến hàng trăm ca.
“Có nhiều kỷ niệm mà tôi thấy có lẽ đó là niềm vui nhỏ nhoi còn sót lại đối với cái nghề này. Đó là cách đây khoảng 10 năm, khi tôi vào bàn để chuẩn bị công việc phá thai cho một ca thì thấy một cô bé mới 18 tuổi, người gầy yếu đang nằm khóc trên giường. Cô bé này đã có thai 4 tháng, hỏi ra thì cô bé nói 2 đứa yêu nhau nhưng trót có con, gia đình cô gái không cho cưới, bắt phá thai vì người yêu cô trông ăn chơi quá. Còn cô bé thì nhất quyết muốn giữ lại”.
“Qua kiểm tra, chúng tôi thấy thai khỏe mạnh, bình thường không có vấn đề gì cả. Tôi mới liền nói cho gặp mẹ cô bé. Tôi nói chuyện, tư vấn cho mẹ cô bé xong thì bà liền đổi ý, không cho phá nữa. Khoảng vài tháng sau, tôi ngỡ ngàng khi thấy vợ chồng cô bé cùng bà nội ngoại đến nhà chơi, bồng theo một thằng cu kháu khỉnh và khoe với tôi rằng đó là đứa bé được tôi từ chối phá hôm nào”, bác sĩ Hằng kể lại.
Đó là một trong số hàng trăm trường hợp mà bác sĩ Hằng đã giúp họ giữ lại đứa con của mình. Điều đó khiến lòng chị bình yên mỗi khi nghĩ về. Bởi thế, trước khi thực hiện cho một ca nào chị luôn muốn dùng hết mọi khả năng của mình để khuyên can họ.
“Và đến một lúc nào đó trong cuộc sống, tôi được gặp lại những đứa trẻ lớn lên từ những bào thai được mình từ chối phá bỏ, cảm giác hạnh phúc vô cùng. Mỗi một trường hợp như thế tôi xem đó là một thành công lớn trong cuộc đời làm nghề. Để mỗi khi trở về nhà, đặt lưng xuống nghỉ ngơi thấy lòng mình bớt đi những dằn vặt”, Bác sĩ Hằng trải lòng.
Theo Dân trí