(ĐS&PL) Kỷ nguyên công nghệ 4.0 với sự phát triển một cách mạnh mẽ của Internet đã mang đến cho nhân loại những đổi mới, tiến bộ vượt bậc ở mọi khía cạnh. Nhiều xu hướng mới theo đó cũng xuất hiện, trong đó không thể không nhắc đến xu hướng kết hợp công nghệ với chia sẻ tài nguyên trong hoạt động kinh doanh hay còn được biết đến với tên gọi “nền kinh tế chia sẻ”.
“Nền kinh tế chia sẻ” - Xu hướng tất yếu của thế giới
Ngày nay, con người phải đối mặt với vô vàn vấn đề cấp thiết, đòi hỏi những biện pháp xử lý kịp thời, có thể kể đến như ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, sự phân hoá giàu nghèo, nạn đói, bệnh tật… Theo thống kê, lượng tài nguyên “nhàn rỗi” trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại được ước tính lên đến con số 3,5 nghìn tỷ bảng Anh. Trái lại, cũng có một sự thật đáng buồn là mỗi ngày trên thế giới có đến 40.000 người chết vì không tiếp cận được thức ăn, nguồn nước và chỗ ở. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, chia sẻ xe hơi giúp giảm 37% lượng khí carbon thải ra không khí - một con số không hề nhỏ trong thời buổi câu chuyện nóng lên toàn cầu đang là chủ đề được toàn thế giới quan tâm.
Qua đó mới thấy, chia sẻ là phương cách duy nhất để tận dụng một cách triệt để nguồn tài nguyên đang dần cạn kiện trong một thế giới khai thác quá mức. Không chỉ gói gọn mình trong các vấn đề xã hội, chia sẻ còn đang là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới.
Bắt đầu được manh nha vào năm 1995 tại Mỹ, tuy nhiên, mãi đến năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, nền kinh tế Mỹ chứng kiến đà tuột dốc và người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn thì mô hình “kinh tế chia sẻ” mới thực sự phát triển một cách mạnh mẽ. Việc “chia sẻ” những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới.
Chia sẻ là phương cách duy nhất để tận dụng một cách triệt để nguồn tài nguyên đang dần cạn kiện trong một thế giới khai thác quá mức và là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới.
Mô hình kinh tế chia sẻ góp phần tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung. Đồng thời, mô hình này đem đến lợi ích cho không chỉ các nền kinh tế, các doanh nghiệp mà còn tác động tích cực đến đời sống từng cá nhân, giúp nhiều người tận dụng tốt hơn những thành tựu công nghệ thông tin để tối đa hoá lợi ích từ những nguồn lực có sẵn, thông qua việc chia sẻ, tận dụng các nguồn lực dư thừa của nhau.
Minh chứng cho sự thành công của một “nền kinh tế chia sẻ” là hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như Neighbor, RabbitTask, Rover, Lending Club, DogVacay, Liquid, Grab… Nhưng quen thuộc nhất đối với người dùng Việt là Grab.
Đặt trụ sở tại Singapore, Grab là công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt xe, chia sẻ xe và giao đồ ăn thông qua ứng dụng di động tại Đông Nam Á. Ngoài Singapore, công ty này còn hiện diện tại 7 quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Grab đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong hai năm qua và được định giá hơn 14 tỉ USD sau vòng gọi vốn gần đây nhất, khi nhận được cam kết hỗ trợ “không giới hạn” từ SoftBank.
Ở một lĩnh vực khác, mô hình TaskRabbit, còn gọi là mô hình giúp đỡ nhau trong cộng đồng, đã được đầu tư 38 triệu USD vào năm 2012. Mô hình này được hiểu một cách đơn thuần là những người có công việc cần thực hiện nhưng không đủ khả năng (thiếu thời gian, kỹ năng…) sẽ đẩy thông tin lên nền tảng để tìm kiếm người lao động phù hợp (kỹ năng, mức giá, vị trí). Người có nhu cầu cần làm việc sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán online. Kết thúc công việc, người lao động và người thuê cũng có cơ hội đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.
Khó có thể phủ nhận những giá trị mà nền tảng kinh tế chia sẻ mang lại, tạo nên một thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn nhưng lại tiết kiệm tài nguyên hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng; ngoài ra, tạo thêm nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, chất lượng cao hơn và giá rẻ.
“Kinh tế chia sẻ” từ góc nhìn Việt Nam
Tại Việt Nam, mô hình “kinh tế chia sẻ” cũng đang là chủ đề được quan tâm và có tiềm năng phát triển rất lớn. Một khảo sát của Công ty Nielsen cho thấy cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này; 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN cho phép thí điểm mô hình ứng dụng dịch vụ công nghệ kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (ví dụ như Uber, Grab) bắt đầu từ năm 2014. Theo thống kê, hiện nay, cứ 4 người dân Việt Nam thì có 1 người đang sử dụng dịch vụ của Grab. Việc sử dụng Grab cũng giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của hành khách đến 51% so với việc sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng. Hiệu suất sử dụng xe GrabCar đạt đến hơn 70%, điều này có nghĩa là cứ mỗi 10 giờ các đối tác tài xế Grab chạy trên đường thì có hơn 7 giờ được tận dụng để kiếm thêm thu nhập. Ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab cũng đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam với tổng giá trị thanh toán đạt mức tăng trưởng đến 150%, số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%.
Việc một mô hình doanh nghiệp “kinh tế chia sẻ” kiểu mẫu như Grab gia nhập nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy quy mô cũng như tính cạnh tranh của thị trường. Từ đó, những sản phẩm và dịch vụ chất lượng hơn lần lượt được ra đời, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một cái tên mới nổi, minh chính cho sự phát triển của “nền kinh tế chia sẻ” tại Việt Nam đó chính là Luxstay - thương hiệu cho startup áp dụng kinh tế chia sẻ vào ngành bất động sản và du lịch, kết nối chủ nhà với người thuê nhà ngắn hạn trong phân khúc chủ yếu là trung đến cao cấp. Ra đời từ năm 2016, đến nay Luxstay đã xây dựng được mạng lưới gần 10.000 chỗ trên khắp cả nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Mới đây, 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong đó xác định quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển, tạo lập các nền tảng số.
Việc một mô hình doanh nghiệp “kinh tế chia sẻ” kiểu mẫu như Grab gia nhập nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy quy mô cũng như tính cạnh tranh của thị trường. Từ đó, những sản phẩm và dịch vụ chất lượng hơn lần lượt được ra đời, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những chủ trương và chính sách đúng đắn, hợp thời điểm được Chính phủ đưa ra trong thời gian gần đây cũng góp phần đưa mô hình “kinh tế chia sẻ” đi đúng hướng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp lẫn người dùng.
Lou