+Aa-
    Zalo

    Nên hay không phạt tù lái xe uống rượu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu đề xuất tịch thu phương tiện của “ma men” có hiệu lực?

    (ĐSPL) - Khi Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu đề xuất tịch thu phương tiện của “ma men” có hiệu lực?

    Trước tình trạng người say rượu lái xe không có chiều hướng giảm, trong văn bản gửi bộ GTVT, góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở).

    co-nen-phat-tu-nguoi-lai-xe-uong-ruou-1

    Nhiều vụ tai nạn thảm khốc vì liên quan đến rượu bia.

    Tổng cục Đường bộ cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.

    Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150\% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm. Theo Tổng cục Đường bộ, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng; nhiều xe chở quá 100\% - 200\% tải trọng hoặc bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua bị hư hỏng nghiêm trọng.

    Sau khi kiến nghị này được phát đi, rất nhiều ý kiến xôn xao, lo lắng. Theo khảo sát của PV báo Người Đưa Tin trên diễn đàn otofun.net về việc hình sự hóa lái xe say rượu, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình ủng hộ việc làm nghiêm minh này, dù họ hầu hết là người lái xe thường xuyên. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lăn tăn về cách làm và liệu như thế thì “thùng bia nhỏ lại nhưng nhà tù phình ra”.

    Một thành viên của diễn đàn này tên Minh Anh cho rằng, hoàn toàn ủng hộ việc phạt tù nếu say rượu khi lái xe, thực tế nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này và rất hiệu quả. Tuy nhiên, người này cũng lo ngại việc nhà tù sẽ bị quá tải nếu như ai uống rượu vượt mức cũng bị đi tù, vì thế theo Minh Anh chỉ nên phạt tù ngắn hạn, từ 1 – 3 tháng là đã đủ sức răn đe.

    Theo tìm hiểu của PV, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã áp dụng hình thức phạt tù nếu say rượu, uống rượu vượt mức cho phép khi lái xe. Ví dụ, tại Anh, người điều khiển xe có nồng độ cồn quá quy định thì sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt tiền 5.000 bảng, cấm lái xe một năm. Ngoài ra, người đó phải chịu các tác động phụ như công ty bảo hiểm tăng mức đóng bảo hiểm năm sau gấp 4-5 lần. Luật pháp coi đó là phạm tội, lưu trữ trong hồ sơ quốc gia. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn. Mức phạt nặng đã tác động lớn đến hành vi của người tham gia giao thông.

    Phạt tù với lỗi uống rượu bia quá mức còn được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản... Nước Đức cấm hoàn toàn việc uống rượu bia với lái xe mới nhận bằng, nếu không chấp hành có thể bị phạt tù ngay, muốn lấy lại bằng thì phải thi lại khó hơn.

    Trao đổi với PV báo Đời sống & pháp luật, luật sư Hoàng Văn Hướng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đề xuất bổ sung quy định xử lý hình sự với các trường hợp uống rượu bia quá mức cho phép, chở quá tải như trên là khách quan phù hợp cần thiết. Về mục đích của đề xuất này là tốt, nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ hạ tầng trong bối cảnh TNGT vẫn phức tạp, và ngân sách dành cho xây dựng hạ tầng giao thông hầu hết là phải đi vay.

    co-nen-phat-tu-nguoi-lai-xe-uong-ruou-3

    TS. Trần Hữu Minh.

    “Trong luật Giao thông đường bộ cũng có quy định tội phá hủy các công trình an ninh quốc gia, hoặc vi phạm các quy định về ATGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì có thể áp dụng quy định xử lý hình sự. Vì thế, việc phạt tù lái xe chở quá tải gây hỏng đường là hợp lý”, luật sư Hướng nhấn mạnh.

    Ngoài ra, theo luật sư này, Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, luật Giao thông cũng đã có những quy định cơ bản. Nhưng đối với hành vi uống rượu điều khiển xe trong trạng thái nồng độ cồn cao quá mức, hay việc vi phạm tải trọng quá mức, thì việc cấu thành tội danh này đang khó về nguồn luật điều chỉnh. Bộ luật Hình sự không thể sửa đổi được ngay. Nhanh cũng phải vài ba năm mới đưa vào cuộc sống được, trong khi thực tế hiện nay thì cấp thiết.

    Về việc phạt tù nếu xe chở quá tải quy định, theo luật sư Hướng, điều này là khó khả thi vì hiện nay rất khó để chứng minh thiệt hại của các hành vi này. Ví dụ chở quá tải thì ai cũng biết hành vi này tàn phá hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, nhưng việc đưa ra con số cụ thể chứng minh hậu quả thiệt hại rất khó, và phải có thời gian. Nên chăng chỉ cần quy định hành vi uống rượu mà nồng độ cồn ở mức bao nhiêu, xe chở quá tải trọng bao nhiêu phần trăm… thì bị xử lý hình sự.

    Cùng quan điểm này, TS. Trần Hữu Minh (đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội) cho rằng, hành vi chở quá tải, tính chất vi phạm cũng rất nghiêm trọng, đây là nguyên nhân hàng đầu tàn phá hạ tầng giao thông – vốn đầu tư làm một số tuyến đường có khi lên đến hàng nghìn tỉ, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng (đều là tiền do từng người dân đóng góp qua thuế), chở quá tải làm hỏng, hạn chế khả năng khai thác, và làm mất an toàn giao thông. Nhưng với việc chở quá tải mức độ đến đâu thì bị phạt tù cũng cần được xem xét rất thận trọng, vì chúng ta cũng đang hướng đến mục tiêu giảm bớt việc hình sự hóa các tội phạm kinh tế. Rõ ràng cùng một hành vi chở quá tải, nhưng diễn ra trên quốc lộ/cao tốc và trên đường dân sinh thì hậu quả thiệt hại kinh tế cũng rất khác nhau.

    Nhiều nghề có cơ hội phất?

    Đoàn Quang Huy: Với đề xuất này, có khi lại giúp thu hẹp ngành sản xuất bia, rượu nhưng lại là cơ hội cho một số ngành kinh doanh mới. Ví dụ như dịch vụ đưa đón người say, người uống rượu từ quán nhậu về nhà, về cơ quan. Rồi dịch vụ lái xe của bợm nhậu về bãi xe, sân nhà…

    Nguyễn Chính Nghĩa: “Theo tôi, chả cần cho đi tù làm gì cho tốn cơm Nhà nước mà lại chật luôn nhà tù, trong khi đó nhà tù với tòa án đã làm không hết việc rồi. Giờ kiêm thêm xử bợm nhậu nữa thì thời gian đâu mà làm các vụ án lớn nữa. Thôi thì, cứ bắt đứng ở ngã tư đường phố đeo tấm biển: “Tôi là đồ say xỉn bỏ đi”.

    co-nen-phat-tu-nguoi-lai-xe-uong-ruou-4

    TS.Nguyễn Xuân Thủy

    TS.Nguyễn Xuân Thủy: Các nước tiên tiến họ đã áp dụng thành công vì ở họ có nhiều điểm khác nước mình. Tôi đồng ý phải mạnh tay với việc uống rượu rồi lái xe trên đường, nhưng bằng biện pháp nào thì phải cân nhắc. Việc bỏ tù một công dân không phải là chuyện đùa. Suy cho cùng, các biện pháp đưa ra cũng vì người dân và vì sự phát triển của xã hội, vì thế sự cân nhắc là điều cần thiết.

    HÀ KHÊ

    Xem thêm clip: Giết chồng vì bị ngăn cản uống rượu

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nen-hay-khong-phat-tu-lai-xe-uong-ruou-a89440.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan