+Aa-
    Zalo

    Nên duy trì hay xóa bỏ án tử hình khỏi luật hình sự Việt Nam?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng, xu hướng chung là hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

    Duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, xu hướng chung là hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. PV báo Lao động Thủ đô trao đổi với PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí, Giám đốc Trung tâm LERES Đại học Quốc gia Hà Nội, xung quanh vấn đề nêu trên.

    Đã có rất nhiều nghiên cứu về hình phạt tử hình, mà cụ thể là nghiên cứu về sự tồn tại của hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt. Theo PGS TS. Nguyễn Ngọc Chí, về cơ bản có hai quan điểm: Quan điểm xóa bỏ hình phạt tử hình vì cho rằng việc duy trì hình phạt tử hình là không nhân đạo, là vi phạm nhân quyền, tước bỏ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống cho dù với bất kỳ lý do nào; duy trì hình phạt tử hình sẽ không còn điều kiện giáo dục, cải tạo người phạm tội, do đó mục đích của hình phạt không đạt được...

    Hình phạt tử hình không những là biện pháp quá hà khắc đối với người phạm tội mà còn gây tổn thương đến người thân của họ, nhất là đối với người chưa thành niên và cuối cùng hình phạt tử hình không những không làm giảm tình hình tội phạm (phòng ngừa chung) mà còn là mầm mống của sự chống đối và bất ổn xã hội.

    Còn những ý kiến duy trì hình phạt tử hình lập luận rằng, không phải duy trì hình phạt tử hình là không nhân đạo mà tính nhân đạo thể hiện ở việc trừng trị người phạm tội (số ít) để bảo vệ tính mạng và những lợi ích của số đông (tất cả mọi người) trong xã hội và tính nhân đạo còn thể hiện ở việc thi hành hình phạt tử hình làm sao cho “tử tội” được “ra đi” nhẹ nhàng nhất, cũng như không mang tính khủng bố tinh thần đối với người khác. Ngoài ra, những người ủng hộ quan điểm này còn đưa ra những lý do: Không duy trì hình phạt tử hình sẽ không ngăn chặn được những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm hại đến lợi ích chung của xã hội, những quyền tự nhiên, cơ bản, thiết thân của con người như quyền sống, quyền an toàn thân thể… và vì vậy mục đích phòng ngừa chung đối với tội phạm đạt hiệu quả cao…

    TAND TP Hải Phòng xét xử vụ buôn bán ma túy với một bị cáo lĩnh án tử hình.

    Lập luận của hai quan điểm trên đã, đang và sẽ là những cuộc tranh luận trái chiều. Bản chất cho vấn đề cốt lõi nêu trên là ở việc nhân dân đã muốn bỏ hình phạt tử hình hay chưa. Về nguyên tắc, nhân dân quyết định mọi vấn đề của đất nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ gián tiếp bằng đại diện của mình tại các cơ quan quyền lực là Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

    Duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình là vấn đề quan trọng nên thường được thực hiện bởi hình thức dân chủ trực tiếp - trưng cầu ý dân. Trước khi qui định xỏa bỏ hình phạt tử hình các quốc gia trong khối EU đã đưa vấn đề này ra trưng cầu ý dân và đa số đồng ý. Hiện nay một trong những điều kiện (bắt buộc) để gia nhập EU của quốc gia mới phải chấp thuận việc bãi bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt của quốc gia mình và họ cũng phải trưng cầu ý dân về sự tồn tại của hình phạt tử hình.

    Theo PGS TS. Nguyễn Ngọc Chí, việc duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, tuy nhiên cần thu gọn phạm vi áp dụng loại hình phạt này.

    Cũng theo xu hướng này, các thiết chế tư pháp quốc tế trừng trị tội phạm quốc tế lập ra những năm gần đây đều không qui định hình phạt tử hình. Qui chế Rome 1988 về Tòa án hình sự quốc tế được thành lập để xét xử đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhất xâm phạm lợi ích chung của nhân loại là tội diệt chủng, tội chống nhân loại, tội chiến tranh và tội xâm lược nhưng cũng không qui định hình phạt tử hình để áp dụng đối với người phạm tội. Như vậy, việc bỏ hay duy trì hình phạt tử hình hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người dân trên cơ sở nhận thức và mong muốn của họ.

    Cũng theo PGS TS. Nguyễn Ngọc Chí, việc duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, tuy nhiên cần thu gọn phạm vi áp dụng loại hình phạt này. Việc thu gọn hình phạt tử hình xét ở cấp độ áp dụng pháp luật: Do hình phạt tử hình là loại hình phạt đặc biệt áp dụng cho những đối tượng đặc biệt trong những trường hợp đặc biệt, cần thiết và nó đang trong quá trình tiến tới được Bộ luật Hình sự xóa bỏ nên khi áp dụng cần có sự cân nhắc thận trọng trong cơ chế chặt chẽ, có nhiều tầng nấc.

    Trước hết cần có những hướng dẫn để tòa án chỉ áp dụng hình phạt này như là biện pháp cuối cùng sau khi đã có đánh giá chính xác cụ thể mọi tình tiết vụ án. Mọi trường hợp áp dụng hình phạt tử hình cần qua các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để xem xét tính hợp pháp, hợp lý và nhất là sự cần thiết khi áp dụng hình phạt này.

    Theo báo Lao động Thủ đô 

    [mecloud]FhlDkXxwhG[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nen-duy-tri-hay-xoa-bo-an-tu-hinh-khoi-luat-hinh-su-viet-nam-a107312.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.