Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, dự kiến họp khẩn để bàn về vụ ba tàu chiến nước này bị Nga bắt.
Trụ sở NATO ở Brussels. Ảnh: Getty |
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay (27/11) dự kiến họp khẩn với quan chức Ukraine tại trụ sở ở Brussels, Bỉ để bàn về vụ ba tàu chiến nước này bị Nga bắt gần eo biển Kerch. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, bày tỏ sự ủng hộ với Kiev trong cuộc đối đầu này.
Cùng lúc đó, liên minh châu Âu (EU) kêu gọi giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea. "Chúng tôi trông đợi Moskva khôi phục quyền tự do đi lại ở eo biển Kerch, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế để tránh gây leo thang căng thẳng", EU ra thông cáo cho hay.
Trước đó, hôm qua (26/11), Quốc hội Ukraine phê duyệt lệnh thiết quân luật trong 30 ngày tại các vùng giáp biên giới Nga hoặc gần nơi binh sĩ Nga đóng quân, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước "nguy cơ bị tấn công". Mệnh lệnh có hiệu lực từ ngày 28/11, được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề xuất sau vụ Nga nổ súng bắt ba tàu hải quân nước này trên Biển Đen, Reuters đưa tin.
Đây là lần đầu tiên biện pháp này được áp dụng từ khi căng thẳng giữa Moskva và Kiev bùng phát vào năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột kéo dài ở miền đông Ukraine.
"Chúng tôi không thích điều đang diễn ra. Hy vọng nó sẽ được giải quyết", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu, nhưng không lên án Nga sau vụ bắt tàu chiến Ukraine. Ông cho biết đang phối hợp với các lãnh đạo châu Âu để xử lý vấn đề này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi hành động của Moskva là "động thái leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế", kêu gọi hai bên kiềm chế và yêu cầu Nga trả tàu cho Ukraine.
Các tàu chiến Ukraine bị giữ tại cảng Kerch hôm 26/11. Ảnh: TASS. |
Căng thẳng giữa Moscow và Kiev tại Biển Đen bùng nổ ngày 25/11, khi các tàu Ukraine xâm phạm biên giới trên biển của Nga qua eo biển Kerch. Các hình ảnh được đăng tải trên truyền thông Nga cho thấy, Hải quân nước này đã triển khai các tàu hải quân, tàu hàng và máy bay chiến đấu Su-25 để đảm bảo an ninh ở eo biển Kerch sau vụ việc.
Về phía Ukraine, giới chức nước này phủ nhận các tàu của họ vi phạm lãnh hải Nga và có hành động khiêu khích quân sự như cáo buộc của Moscow.
Hải quân Ukraine nói rằng, 6 thủy thủ của họ đã bị thương sau khi bị lực lượng an ninh Nga ngăn chặn. "Sau khi rời khu vực 12 hải lý, lực lượng của FSB đã nổ súng vào nhóm tàu của quân đội Ukraine"
NGUYỄN QUỲNH (T/h)