Theo Tổng thống Biden, các biện pháp mới sẽ bảo vệ người lao động khỏi nắng nóng khắc nghiệt, cải thiện khả năng dự báo thời tiết và phục hồi nhiệt, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn nước uống.
Cụ thể, Tổng thống Biden đã chỉ đạo Bộ Lao động Mỹ đưa ra cảnh báo nguy hiểm đối với những nơi làm việc như trang trại và công trường lao động. Đây là các khu vực mà người lao động phải đối mặt với rủi ro cao hơn khi nắng nóng hoành hành. Dữ liệu thống kê cho thấy, thời tiết nắng nóng đã khiến 436 công nhân tử vong kể từ năm 2011.
Các lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thường xuyên xảy ra các vi phạm an toàn liên quan đến nhiệt độ. Do đó, Bộ Lao động Mỹ cũng sẽ tăng cường kiểm tra những khu làm việc có nguy cơ ảnh hưởng cao.
Theo ông Biden, Cục Kiểm lâm Mỹ sẽ tài trợ hơn 1 tỷ USD nhằm phủ xanh các thành phố và thị trấn, nhờ đó các gia đình “có một nơi để giải nhiệt”. Độ che phủ của cây có thể giúp nhiệt độ tại khu vực đô thị hạ xuống hơn 15 độ F.
Trong khi đó, Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ chi hàng tỷ USD nhằm giúp các cộng đồng xây dựng nhà tiết kiệm năng lượng hơn và mở các trung tâm làm mát.
Tổng thống Biden cho biết thêm, Bộ Nội vụ Mỹ đang tăng cường tài trợ để mở rộng khả năng chứa nước tại các bang phía Tây. Ông đề cập đến việc chi 152 triệu USD cho việc lưu trữ nước và hệ thống đường ống ở các bang phía Tây bị hạn hán.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ nhắc đến khoản tài trợ 7 triệu USD từ Đạo luật giảm lạm phát năm 2022 mà Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) sẽ sử dụng để cải thiện việc dự báo thời tiết, từ đó cải thiện khả năng chuẩn bị ứng phó với hiện tượng thời tiết khăc nghiệt như sóng nhiệt.
Theo Guardian, các thông tin nói trên được đưa ra trong cuộc họp báo tổ chức tại một khán phòng của Nhà Trắng. Họp báo diễn ra trong bối cảnh gần 40% người Mỹ đang phải tuân thủ các khuyến nghị về nắng nóng, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ.
Được biết, thành phố Phoenix (bang Arizona) đã trải qua 27 ngày liên tiếp nhiệt độ vượt quá 43 độ C, trong khi thành phố San Antonio (bang Texas) chứng kiến nhiệt độ cao hơn 38 độ C trong ít nhất 15 ngày liên tiếp.
Bà Kate Gallego - thị trưởng thành phố Phoenix đã và đang đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua dự luật bổ sung nắng nóng cực độ vào danh sách các hiện tượng đủ điều kiện để được coi là thảm họa lớn của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Việc này sẽ cho phép các bang được hoàn tiền khi mở các trung tâm làm mát, phân phối nước trong lúc ứng phó với nắng nóng.
Trong khi đó, ông Ron Nirenberg - Thị trưởng thành phố San Antonio giới thiệu các biện pháp mà nơi này đang thực hiện nhằm thúc đẩy hành động vì khí hậu, bao gồm thúc đẩy di chuyển bằng phương tiện công cộng, sản xuất năng lượng mặt trời.
XEM THÊM: Vì sao giới nhà giàu Nga đổ xô đến hòn đảo lớn nhất của Thái Lan?
Không riêng Phoenix và San Antonio, Washington D.C cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng nhiệt. Giới chức trách cảnh báo, nhiệt độ trong tuần này có thể vượt quá 37,8 độ C lần đầu tiên sau 7 năm.
Nắm nóng gay gắt dự báo sẽ lan rộng ra vùng Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ trong những ngày tới. Tổng thống Biden nói rằng, nắng nóng là “nguyên nhân gây chết người hàng đầu liên quan đến thời tiết” tại Mỹ.
Guardian thông tin, các chuyên gia nhận định các biện pháp nói trên là tích cực nhưng khiêm tốn, bên cạnh đó ông Biden đã dừng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu hoặc trực tiếp giải quyết nhu cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch khiến Trái Đất nóng lên.
Đinh Kim (Theo Guardian)