Nắng nóng bất thường khiến cho trẻ em và người già dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, sốt, tiểu đường, tim mạch... Tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân tăng cao đến 50%.
Những ngày vừa qua, thời tiết tại miền Bắc rơi vào thời kỳ cực đoan khi nắng nóng đột ngột xuất hiện cũng như sự chênh lệch nhiệt độ giữa các buổi trong ngày khá cao. Tình trạng này khiến cho sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện tăng cao trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa |
Cụ thể, chỉ trong một tuần qua, mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Thanh Trì- Hà Nội) tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân mắc chứng huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, tai biến... tăng 30% so với bình thường.
Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão khoa trung ương số người già mắc bệnh mãn tính đến khám cũng tăng từ 30% đến 50% trong những ngày nắng nóng.
Còn Bệnh viện Nhi trung ương và khoa Nhi các bệnh viện khác, lượng người bệnh đến khám cũng tăng từ 20%. Trong đó, trẻ em chủ yếu mắc các bệnh như hô hấp, tiêu chảy, sốt...
Không chỉ dừng lại ở các chứng bệnh đơn thuần, thường gặp hàng ngày. Nắng nóng kéo dài còn là tác nhân làm bùng phát nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, cúm, thủy đậu...
Dưới đây là những bệnh mùa hè phổ biến và cách phòng tránh:
1. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue. Một số triệu chứng sốt xuất huyết có thể nhận biết sớm như: sốt cao 40,5 độ, nhức đầu, ói mửa, phát ban.
Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em; nhưng hiện tại, rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ tử vong khá cao. Bệnh hiện nay chưa có thuốc đặc trị, những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần.
2. Tay- chân- miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh do virus đường tiêu hóa gây ra. Do đó, bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh và lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng phổ biến vào thời điểm giao mùa và thường ở những trẻ dưới 5 tuổi.
Ban đầu khi mới bị tay chân miệng, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn. Sau sốt 1 - 2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khoang miệng...
3. Cúm
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus influenza gây nên. Mặc dù, trong đa số các trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Chúng thường gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch.
4. Thủy đậu
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền: Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi) hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.
Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh - được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh - là khoảng 2-3 tuần.
Chủ động phòng bệnh ngay tại nhà
Để phòng bệnh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong mùa hè này, các hộ gia đình cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay tại nhà như:
Vệ sinh nơi ở, môi trường xung quanh để phòng chống sự bùng phát của dịch bệnh |
Tiến hành diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ. Không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý để bón cây trồng.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Nguyễn Phượng(T/h)