Bão số 3 (Yagi) và lũ lụt tại nhiều địa phương khu vực phía bắc gây thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân khi tài sản mất trắng, thêm gánh nợ nặng vai, tăng trưởng GDP cả năm có thể bị kéo lùi khoảng 0,15%.
Để tái thiết nền kinh tế hậu Yagi, đến nay, 32 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tất cả đã cho thấy, chỉ một Yagi đã khiến nền kinh tế nước ta cần đến một nguồn tiền khổng lồ để tái cấu trúc.
Điều tử tế bay xa vượt qua giông bão
Thảm họa thiên nhiên hay các cuộc khủng hoảng vốn chẳng xa lạ gì với mỗi chúng ta. Thịnh nộ cuồng phong Yagi đã đi qua nhưng đau thương vẫn chưa thể nào nguôi ngoai. Trong hoạn nạn là lúc lòng bao dung, trái tim nhân ái, sự tử tế lại lan tỏa vượt ra khỏi biên giới. Sức mạnh đoàn kết của mỗi chúng ta sẽ làm động lực, xây dựng niềm tin vào tình người, chứng minh cho tất cả hiểu sâu sắc về lợi ích của giúp đỡ cộng đồng.
Hiện cả nước vẫn đang hướng về nơi những địa phương bị Yagi oanh tạc trực tiếp, gieo rắc bao nỗi đau và còn đó biết bao giọt nước mắt của những người ở lại cho những người ra đi. Thời gian và nghĩa tình đồng bào hẳn sẽ xoa dịu và làm vơi đi những nỗi đau mất mát.
Nắng mưa là chuyện của trời và thiên tai vẫn xếp hàng do đâu ?
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn khi hiện tượng trái đất nóng dần lên, băng tan, nước biển dâng và lũ lụt kéo đến. Mưa bão chẳng tha ai bao giờ. Biết đâu Yagi hôm nay và sẽ còn nhiều phiên bản của Yagi có khả năng xuất hiện trong ngày mai thì sao ?!
Nhiều năm trước, mấy ai có bao giờ nghĩ đến cảnh ngập lụt ở Đà Lạt ? Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai nước lũ cũng chẳng tha. Ngay cả đảo ngọc Phú Quốc giữa biển khơi trùng dương sóng vỗ, ấy vậy mà cũng bì bõm nước mỗi khi mưa xuống.
Nói như nhà văn Nguyên Ngọc là đất và nước: “Mối quan hệ sinh tử của sự sống là đất và nước được kết chặt vào nhau bằng rừng”. Năm mươi năm nay, với lòng tham vô độ, bất chấp mọi lời kêu cứu thất thanh, ta đã chặt đứt cái khâu sinh tử: Rừng bị phá sạch sành sanh rồi. Không còn rừng, rừng tự nhiên, thì núi chảy ra như nước. Tài nguyên hóa thạch (mỏ than đá tận khai để cung cấp cho rất nhiều nhà máy nhiệt điện và xuất khẩu; quặng kim loại; vàng, đồng, thau, titan, đất hiếm bị khai thác bừa bãi). Và ngay cả nguồn nước ngầm cũng bị lãng phí đến thế là cùng.
Đồi, núi không còn rừng để bảo vệ. Tầng địa chất đã bị rỗng chân khiến tình trạng mất cân bằng môi sinh diễn ra trầm trọng. Năm nay, 2024 - năm Thìn - bão lụt không phải chủ yếu là lũ nước, mà là lũ đất. Chỉ mới bắt đầu mùa mưa bão nhưng tình hình sạt lở đồi núi, bờ sông, đê điều bị vỡ đã diễn biến khốc liệt.
Cứ đà này, rồi sẽ đến một ngày, cái nơi thân yêu và thiêng liêng mà ta vẫn gọi là Đất nước, là Tổ quốc, cái mặt đất trên đó là làng mạc, đồng ruộng, thành phố, con người nữa… tất cả, tất cả mà ta vẫn đinh ninh là trường cửu, là vĩnh hằng đây, có chảy trôi tuột luôn hết ra Biển Đông không ? Ai dám bảo là không ?”
Thoáng nghĩ sau bão giôngĐể không còn xảy ra những cảnh tang thương kinh hoàng của làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nữa chúng ta cần phải nhìn lại cách ứng xử của con người với mẹ thiên nhiên.
Với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Ngoài ra, khí hậu nhiệt đới gió mùa với cường độ bức xạ mặt trời khác nhau theo từng khu vực cũng là lợi thế cực lớn để nước ta khai thác năng lượng sạch; điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện gió gần bờ v.v..)
Tại Việt Nam, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên sạch vô giá và vô tận. Kho báu ấy hoàn toàn cho phép ta khai thác vô tư để phát triển điện sạch đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà không lạm phát điện bẩn vốn gây hệ lụy rất lớn cho môi trường. Vậy, chính sách nào để khuyến khích nội lực, vận hành theo đúng chủ trương ? Tất cả do con người đề ra.