+Aa-
    Zalo

    "Năng lượng ẩn" cho những ngôi sao tỏa sáng trên màn ảnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Hoa có thể đầy trên tay một diễn viên, nhưng bông băng cũng có thể đầy trên tay một diễn viên đóng thế".

    "Hoa có thể đầy trên tay một diễn viên, nhưng bông băng cũng có thể đầy trên tay một diễn viên đóng thế", đó là câu nói có thể lột tả khá chân thực về những nghệ sĩ ẩn mình sau thành công của các bộ phim, những diễn viên đóng thế (cascadeur). 

    Vầng hào quang lặng lẽ

    Những năm gần đây, thể loại phim hành động của điện ảnh Việt đang ngày càng được chăm chút hơn, mang đến nhiều pha kịch tính hơn. Phía sau sự thành công của những thước phim ấn tượng đó là những trái tim say nghề, cống hiến thầm lặng cho đam mê cháy bỏng với nghề cascadeur. Một đạo diễn nhận định, cascadeur ở Việt Nam là một công việc đặc thù, trình độ biến hóa cao hay thấp đều được thể hiện trên từng khung hình, qua các pha hành động mạo hiểm.

    Nguyễn Quốc Thịnh (SN 1973) là một trong những thế hệ đầu tiên hình thành nên nghề cascadeur và gặt hái được nhiều thành công. Anh thành lập CLB Cascadeur Quốc Thịnh và nhiều học trò của anh cũng thành công với các CLB "con". Hơn 28 năm lăn lộn với nghề, cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh trở thành cái tên thương hiệu đóng góp sự gay cấn cho những bộ phim hành động Việt Nam. Tham gia đóng thế cho hàng trăm bộ phim với những cảnh quay vô cùng nguy hiểm, những pha nhào lộn, phi thân, tông xe hay "bốc hỏa",... anh đều đã kinh qua.

    Cascadeur Quốc Thịnh đang hướng dẫn cho diễn viên Lý Hùng trong một pha hành động. Ảnh nhân vật cung cấp.

    Nhắc lại cơ duyên đưa anh đến với nghề, cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ: "Hồi nhỏ, tôi thích xem phim võ thuật Hồng Kông và ước mơ lớn lên sẽ được làm diễn viên đóng phim võ thuật hành động. Cuối năm học lớp 5, tôi bắt đầu tiếp xúc với võ thuật để thực hiện ước mơ đó. Khoảng năm 1991, đoàn làm phim Lửa cháy thành Đại La về võ đường võ cổ truyền Bình Định chọn diễn viên, tôi đã có cơ hội bước chân vào nghề".

    Năm 1992, anh gia nhập CLB cascadeur của nữ võ sư Thu Vân cùng cascadeur Lê Minh Dũng. Nhưng bước ngoặt lớn đối với chàng cascadeur sinh năm 1973 lại là năm 1995, khi lọt vào mắt xanh của võ sư kiêm chỉ đạo võ thuật Trần Hùng Tinh đến từ Hồng Kông, được chọn đóng thế cho Lý Hùng trong phim Hồng Hải Tặc. Anh chia sẻ, võ sư Trần Hùng Tinh nhìn thấy được đam mê của anh nên đã chỉ dạy sát sao, anh học hỏi được rất nhiều từ dịp đó.

    "Sau này, khi đóng thế vai cho các diễn viên, tôi hào hứng mời bạn bè đi xem phim, bạn bè hỏi: "Thế diễn ở đoạn nào?", vì không hề thấy mặt tôi xuất hiện, tôi đáp: "Đó, diễn viên ấy diễn gì là tôi đóng đấy", anh Thịnh kể.

    Từ những bộ phim đầu tiên ở thập niên 90, khi công nghệ vẫn còn khá thô sơ, không có trang bị bảo hộ như bây giờ, Quốc Thịnh đã bắt đầu thực hiện những cảnh quay với độ khó rất cao và xác suất dính chấn thương không hề nhỏ.

    Trong phim Hồng Hải Tặc, anh trực tiếp thực hiện cảnh đu dây tại thác Đambri (Bảo Lộc, Lâm Đồng), từ độ cao 57m, thế cho Lý Hùng. Khi đang tụt xuống lưng chừng thì dây bị đứt liên tiếp 3 lần, nhưng may mắn là Quốc Thịnh đã nhanh trí, khóa dây đu lại, thoát khỏi bàn tay tử thần. Đó chính là lý do, phim Hồng Hải Tặc là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh.

    Quốc Thịnh cho biết: "Để trở thành một cascadeur chuyên nghiệp, đầu tiên phải có đam mê, không có đam mê chắc chắn không theo được. Kế đến, phải có một trình độ võ thuật nhất định, có kỹ năng về các môn thể thao khác, có tính kỷ luật cao khi thực hiện những pha nguy hiểm".

    Theo anh, võ thuật điện ảnh mang tính biểu diễn cao, còn võ thuật trong đời sống mang tính chiến đấu, chủ yếu nhằm đánh bại đối phương một cách đơn giản nhất. Võ thuật mang tính hành động thực tế, khó truyền theo lý thuyết. Võ thuật điện ảnh phải đa dạng hơn, bởi, cũng là hai người đánh võ đối kháng nhưng giữa công an và tội phạm sẽ khác với cảnh hai côn đồ chạm mặt,... cần có tính chất nhân vật bộc lộ đan xen.

    Nhắc đến một sự cố trong khi đang diễn, Quốc Thịnh không ngại chia sẻ: "Tôi cũng có những lần va chạm bị thương, như hồi diễn cảnh bị xe tông, phải khâu 16 mũi trên đỉnh đầu. Vào bệnh viện, bác sĩ bảo: "Ủa, mới đi chém lộn hở?" rồi kêu tôi phải cạo đầu để khâu, tôi đã phải năn nỉ bác sĩ cạo đúng phần đó, còn để lại vì tôi còn phải đóng phim. Đó là lần nặng nhất, còn trật khớp tay, khớp chân thì xảy ra thường xuyên".

    Học trò của cascadeur Quốc Thịnh, anh Phạm Trần Thế Dũng (Dũng Lì, SN 1987) cũng đã có 7 năm gắn bó với CLB cascadeur Quốc Thịnh. Tham gia một số phim hành động như Bụi đời chợ lớn, Vết dầu loang, Thế Dũng cũng có khá nhiều pha hành động nguy hiểm. Trong Vết dầu loang, anh có những đoạn bay người ngã vào kệ sách vẫn còn những cây đinh chìa ra, mặc dù có bảo hộ nhưng xác suất nguy hiểm cao, xui thì có thể gãy cổ, cảnh đó, anh cũng phải quay 3 lần mới đạt.

    Theo Dũng Lì, diễn viên đóng thế cần nhất là sự đam mê và cần thêm một chút máu liều: "Thực ra, khi vào tình huống cũng rất sợ, nhưng động lực thôi thúc chúng tôi hoàn thành vai diễn chính là vì sự thành công của bộ phim", anh Dũng chia sẻ.

    Những tai nạn nghề nghiệp

    Dù được trang bị kỹ càng đến đâu, diễn viên đóng thế vẫn có lúc gặp tai nạn nghề nghiệp.

    Công việc của những diễn viên đóng thế ở miền Bắc vẫn chưa "được mùa nở rộ" như miền Nam, tuy nhiên, cũng có những cascadeur gắn bó khá nhiều năm với những bộ phim truyền hình hành động.

    Võ sư Bùi Đăng Văn (SN 1971), hiện đang là Chủ nhiệm võ đường Quán Thánh, môn phái Nam Hồng Sơn cũng đã có 25 năm kinh nghiệm phục vụ những pha võ thuật kịch tính trên màn ảnh. Học võ từ năm 1982, nhưng đến năm 1994, khi có một người bạn ở Đức về tập cùng, Bùi Đăng Văn mới có ý tưởng thành lập một nhóm cascadeur để làm phim, tuy nhiên, nghề này thời đó không thịnh hành lắm.

    Thành công nhất của vị võ sư này có lẽ phải nhắc đến seri Cảnh sát hình sự, anh góp mặt trong nhiều tập phim khác nhau. Ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với anh chính là phim Đằng sau tội ác và Đột kích, khi cùng lúc kiêm nhiệm 3 vai trò: Đóng thế, chỉ đạo võ thuật và trực tiếp diễn luôn một vai trong phim. Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ với bộ phim Đằng sau tội ác, đoàn làm phim lựa chọn pháo đài Giang Văn Vỉ với độ sâu âm 100m làm bối cảnh, nhóm họa sĩ thiết kế phải dùng đuốc, cành cây tươi thả vào trước, nếu lửa còn cháy mới dám vào. NSƯT Tạ Am cứ xuống một lúc lại phải ngoi lên để thở, vì là pháo đài cũ của Pháp, bị đánh sập lâu năm, không ai xuống nên lượng khí mê tan tích tụ lại nhiều.

    "Làm diễn viên đóng thế, những pha đánh đấm trầy trượt thì không thể tránh khỏi. Trong TP.Hồ Chí Minh, có nhiều trang thiết bị hỗ trợ tập luyện và diễn xuất nên chấn thương cũng đỡ hơn. Một cảnh trong phim Đằng sau tội ác, tôi phải đá dao găm trúng lưng nhân vật lúc xoay chân để đá, do không để ý, dao đã cắm xuyên qua giày, nhưng thật may mắn dao chỉ lọt đúng kẽ hở hai ngón chân, nếu không thì chân tôi cũng thủng", người đàn ông 48 tuổi trầm ngâm nhớ lại.

    Theo võ sư, võ thuật trên phim trường chú trọng nhất góc độ hình ảnh, không cần phải ra đòn mạnh, không cần chiến thắng, mà phải thật đẹp, những cú đánh đẹp sẽ thu hút người xem.

    Một nữ đệ tử của võ sư Bùi Đăng Văn cũng từng tham gia những phim hành động, đã học võ được 7 năm. Đó là cô gái 25 tuổi Phạm Thu Nhàn, từng hóa thân trong các phần phim Ván cờ vồ bắt đầu từ khoảng năm 2014. Cô gái nhỏ nhắn cho biết: "Tham gia những pha hành động, cần có sự ăn ý để có lực nhẹ hơn so với thực tế. Hơn nữa, phải thực sự tập trung, vì lệch nhịp là sẽ xảy ra va chạm và chấn thương".
    Có lẽ, sự nhiệt huyết của những thành viên của các anh chị sẽ trở thành cánh cửa mở ra tương lai sáng cho sự nghiệp cascadeur chuyên nghiệp tại miền Bắc.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 63

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nang-luong-an-cho-nhung-ngoi-sao-toa-sang-tren-man-anh-a273046.html
    Sự kiện: Sao Việt
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan