Trong giai đoạn 2019 – 2030, các định chế tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ có khả năng tài chính lên tới khoảng 100 tỷ USD mỗi năm tài chính để hỗ trợ các nước thành viên.
Theo AFP, WB đồng ý tăng vốn sau khi Mỹ ủng hộ gói cải cách hạn chế các khoản vay và tính thêm phí cho các nước có thu nhập cao hơn như Trung Quốc.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết kể cả Trung Quốc và các nước thu nhập trung bình đều không hài lòng về khả năng phải trả thêm tiền cho các khoản vay, song họ đồng ý vì thỏa thuận mới tăng khả năng tổng thể của WB.
Thỏa thuận cũng tăng cổ phần và quyền biểu quyết đến các thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc. Đây là “đợt bỏ phiếu lớn về niềm tin” trong WB, diễn ra sau ba năm đàm phán khó khăn vì giới chức WB không thường đồng ý và hài lòng với nhau về tất cả vấn đề, ông Kim cho hay.
Các cổ đông Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đạt sự đồng thuận “lịch sử” tăng khả năng cho vay của ngân hàng trong cuộc họp cuối tuần trước. Ảnh: Reuters |
Ngân hàng Thế giới gồm 5 định chế: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA); Công ty Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID).
Các định chế này cùng nhau cấp vốn, tư vấn và cung cấp các giải pháp khác nhau tại hơn 100 quốc gia.
Thông cáo của Ủy ban Phát triển nhấn mạnh bối cảnh ra đời đầy thách thức của gói biện pháp vừa qua như sau: “Gói biện pháp ra đời trong bối cảnh phát triển đầy biến động và ngày càng phức tạp. Mặc dù đã đạt được các thành tích đầy ấn tượng trong một vài thập kỷ qua nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa đồng đều”.
“Duy trì tốc độ phát triển đã đạt được và giải quyết các thách thức mới đòi hỏi một sự cố gắng không ngừng do môi trường toàn cầu vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi và nhiều biến động trong cơ cấu nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra”.
Ủy ban Phát triển cũng tiếp thu các khuyến nghị nêu trong báo cáo Đánh giá góp vốn hồi đầu năm 2018, trong đó có khuyến nghị về tăng vốn chọn lọc (Selective Capital Increase, SCI) dành cho IBRD.
Việc tăng vốn chọn lọc giúp cân đối cơ cấu vốn góp hơn, giảm bớt tình trạng mất cân đối về tiếng nói, nâng cao dần tiếng nói và mức độ đại diện của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển với tốc độ có thể kiểm soát được.
Vũ Đậu (T/h)