Luật sư cho rằng, người phụ nữ chiếm giữ số tiền 47,9 triệu đồng tại cây ATM là không có căn cứ theo quy định của pháp luật, do vậy, số tiền này được cần được trả lại cho chủ sở hữu.
Liên quan vụ việc người phụ nữ lạ mặt “nẫng” số tiền 47,9 triệu đồng từ cây ATM trên phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội và hiện đang bị công an truy tìm, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết:
Điều 32 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.
Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm |
Như vậy, người phụ nữ chiếm giữ số tiền 47,9 triệu đồng là không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Số tiền này được cần được trả lại cho chủ sở hữu. Trường hợp nếu không biết địa chỉ chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp lại ngay cho Ngân hàng hoặc UBND phường hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để thông báo cho chủ sở hữu.
Trường hợp người phụ nữ cố tình không trả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác theo điểm e, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng.
Trong trường hợp cơ quan điều tra đã thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua quá trình điều tra làm rõ được danh tính người phụ nữ này yêu cầu giao nộp lại số tiền 47,9 triệu đồng mà cố tình không chấp hành thì sẽ bị xử lý về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 176 BLHS 2015 với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng,di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Camera ghi lại hình ảnh cô gái bước vào buồng ATM sau khi chị Lan rời đi. Ảnh: Infonet |
Trước đó, vào ngày 22/01 (tức 28 Tết), chị Hoàng Thị Lan (Hà Nội) thực hiện việc nộp số tiền mặt trị giá 47,9 triệu đồng vào tài khoản tại cây ATM của một ngân hàng tại Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.
Do thời điểm cuối năm, khách chờ rút tiền tại cây ATM khá đông nên trong quá trình thao tác nộp tiền, chị Lan rất vội vàng, bất cẩn. Sau khi đẩy số tiền trên vào cây ATM, chị cho là đã hoàn tất giao dịch nên rời đi.
Theo nội dung camera ghi lại, ngay sau khi chị Lan rời khỏi cây ATM, một phụ nữ bước vào, người này không thực hiện giao dịch mà nhặt luôn số tiền 47,9 triệu đồng vừa được ATM nhả ra rồi vội vã bước đi.
Nhân viên ngân hàng cho hay, khả năng khi thực hiện thao tác, chị Lan chưa nhấn nút hoàn tất giao dịch xác nhận việc chuyển tiền. Việc đó khiến số tiền 47,9 triệu đồng của chị chưa được nhập vào ATM, người khách đến sau có thể đã bấm nút không đồng ý hoàn tất giao dịch để tiền được máy trả lại và nhân cơ hội đó lấy luôn số tiền trên của chị.
Được biết, sau khi về và không thấy tiền trong tài khoản, chị Lan đã gọi điện báo luôn cho tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng này. Nhân viên trực tổng đài trả lời tiền sẽ được trả lại sau 2 ngày làm việc, nhưng vì ngân hàng không tìm không thấy giao dịch nào có số tiền trên, két cũng không thừa nên chị Lan đã yêu cầu xem lại camera.
Tuy nhiên, phải đợi đến 18 ngày sau ( tức ngày 14/02), chị Lan mới được ngân hàng cho xem camera. Theo chị Lan, trước yêu cầu được xem camera an ninh, nhân viên ngân hàng nói “phải chờ kiểm quỹ, kiểm két và do vướng Tết nên hơi chậm.
Sau khi biết có người đã nẫng số tiền trên ngay tại cây ATM, ngày 16/02, chị Hoàng Thị Lan đã trình báo sự việc tại Công an phường Điện Biên Phủ kèm theo toàn bộ hình ảnh do camera ghi lại.
Vũ Đậu