(ĐSPL) - Thay vì chặt cây khi cây bị sâu bệnh hoặc để thi công các công trình, ở phố núi Gia Lai, các nhà quản lý đã kết hợp hài hòa giữa bảo vệ cây xanh và các lợi ích khác.
TP Pleiku (Gia Lai) từ lâu khá nổi tiếng về những hàng cây thông xanh mát trên các tuyến phố. Để giữ được những hàng cây xanh tốt đó, các nhà quản lý của tỉnh này đã phải đưa ra nhiều quyết định "khác người".
Do ảnh hưởng của thời tiết nên cứ vào đầu mùa mưa, dịch bệnh ong cắn lá thông lại bùng phát trên cây thông ở Gia Lai. Đặc điểm của loài bệnh này là rất khó trị và lây lan rất nhanh. Trước tình trạng đó, nhiều nơi áp dụng giải pháp là đốn hạ cây bệnh để tránh lây lan bệnh sang những cây khác. Nhưng đối với Gia Lai, việc chặt bỏ sẽ khiến phố núi mất đi những hàng cây xanh tốt vốn đã tồn tại nhiều năm và việc trồng lại những hàng cây này là vô cùng khó khăn.
|
Những hàng cây thông xanh trên các tuyến phố đã được bảo vệ đúng cách. |
Trước thực tế trên, những người có trách nhiệm chăm sóc cây xanh ở phố núi Pleiku đã quyết định giữ cây để chữa bệnh và giải pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật phun thẳng từ trên ngọn cây xuống được lựa chọn.
Cứ thế, mỗi đêm từ khoảng 0h đến 3h sáng hôm sau, những người chăm sóc cây xanh lại dùng xe nâng để đưa người lên cao phun thuốc vào những cây bị sâu bệnh. Chỉ sau một thời gian chữa bệnh, các cây bắt đầu rụng lá sâu và ra chồi non mới.
Anh Bùi Tiến Đức, một người dân sống trên đường Trần Hưng Đạo, TP Pleiku cho hay: Cứ vào đầu tháng 5 hàng năm, gần nữa số cây thông trên tuyến đường này đều bị nhiễm bệnh. Nhiều cây lá bị vàng hết, tưởng rằng phải chặt bỏ vì không thể sống được. Tuy nhiên, sau khi những người chăm sóc cây xanh phun thuốc chữa bệnh cho cây, lá đã bắt đầu xanh lại. Người dân phố núi hết sức vui mừng trước quyết định của chính quyền.
Ông Vũ Đức Cường, Trưởng Phòng kỷ thuật Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Gia Lai cho biết: “Đây là một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn. Chặt bỏ cây bị bệnh để tiêu hủy thì không ai trách gì nhưng nếu dùng thuốc mà xử lý không được sẽ làm ảnh hưởng đến cây khác và trách nhiệm không hề nhỏ. Nhưng với mong muốn cứu được những hàng cây xanh đã tồn tại từ lâu trên các tuyến phố, chúng tôi đã đi đến quyết định chữa bệnh cho cây”.
Cũng theo ông Cường, toàn thành phố Pleiku hiện có khoảng 1.500 cây thông. Đặc điểm của cây thông là sinh trưởng lâu. Để có một cây trưởng thành phải mất 10 - 15 năm nên chặt đi sẽ rất khó để phục hồi lại. Nhờ quyết định chính xác trên, nhiều đường phố Pleiku vẫn xanh bóng cây thông.
Được biết, trước đó, để nâng cấp QL14 hay còn gọi là đường HCM – con đường huyết mạch của các tỉnh Tây Nguyên – theo thiết kế, một cây gạo cổ thụ ở phường Yên Thế, TP. Pleiku buộc phải chặt bỏ. Tuy nhiên, ngay sau khi biết được thông tin trên, nhiều người dân địa phương đã đặt vấn đề lên chính quyền quản lý, đề nghị được giữ lại cây gạo này vì nó có ý nghĩa với người dân TP. Pleiku.
|
Quốc lộ 14 đã được uốn cong để bảo vệ cây gạo cổ thụ. |
“Khi nhận được ý kiến người dân, nhận thấy đây là cây gạo cổ thụ gắn với nhiều người dân, BQL đường đã báo cáo lên cấp trên và được chấp thuận phương án nắn đường để giữ cây. Việc nắn đường này cũng không ảnh hưởng nhiều đến giao thông trên địa bàn”, ông Nguyễn Ngọc Báu, Giám đốc Ban quản lý đường Hồ Chí Minh đoạn Kon Tum – Gia Lai chia sẻ.
|
Dù đường cong nhưng lòng người dân rất phấn khởi
|
Ông Nguyễn Hữu Đáng, một người dân ở cạnh con đường trên cho biết: “Đoạn đường này được nắn vì cây cổ thụ, vì ý kiến người dân. Người dân chúng tôi thật sự biết ơn những người có trách nhiệm đã tôn trọng ý kiến của dân. Một cây gạo có hàng chục năm tuổi gắn bó với người dân đã được giữ lại làm đẹp thêm tuyến đường”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nan-duong-phun-thuoc-chua-benh-de-bao-ve-cay-xanh-a88597.html