+Aa-
    Zalo

    Nạn đa thê trên dãy Trường Sơn, ly kỳ sức sống của một hủ tục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù tỏ ra tự hào về việc có nhiều hơn một vợ, nhưng những ông chồng "số hưởng" lấy được nhiều vợ này vẫn than thở "cực lắm".

    Mặc dù tỏ ra tự hào về việc có nhiều hơn một vợ, nhưng những ông chồng "số hưởng" lấy được nhiều vợ này vẫn than thở "cực lắm".

    Tại những làng, bản thuộc xã Gari (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), vùng biên giới Việt - Lào, có không ít người đàn ông dân tộc Cơ Tu lấy hai, ba vợ, cùng chung sống dưới một nếp nhà.

    Tự nguyện làm vợ lẽ

    Phong tục "kéo vợ", "bắt vợ" của người Cơ Tu giờ không còn nữa, trai gái được tự do lấy người mình thương. Tuy nhiên những quan niệm lạc hậu ăn sâu bén rễ vào tư tưởng của họ thì vẫn còn đó. Phần lớn những người đàn ông lấy được nhiều vợ cũng là do có sự đồng ý của người phụ nữ.

    Anh Hốih Nhươn (44 tuổi, thôn Pức, xã Gari) đã vui vẻ kể chuyện mình lấy cả hai chị em ruột Bhling Thị Trước và Bhling Thị Tênh như thế nào.

    22 tuổi, Nhươn cưới Tênh trong mối tình được cha mẹ hẹn hứa từ bé. Họ thành vợ chồng sau khi ba mẹ Nhươn mổ trâu mời làng theo nghi thức người Cơ Tu.

    Hai tháng sau lễ cưới của em gái, Trước - chị gái Tênh - bỏ nhà chồng ở xã Ch’Ơm trở về nhà mẹ đẻ và tuyên bố sẽ không sống tiếp với người chồng cũng được hứa hôn từ tấm bé vì "không thích". Về sống với cha mẹ đẻ, Trước đi làm nương cùng vợ chồng em gái, rồi bỗng dưng thích Nhươn, thế là nằng nặc theo em gái làm vợ Nhươn.

    Nhươn đùa khi kể với PV Tuổi trẻ: "Mình là người trẻ nhất vùng cưới hai vợ. Thích nhưng cực lắm. Hai bà cơ mà...".

    Nhưng không phải mọi việc cứ đơn giản thế. Cưới Trước được hơn tuần, một đám người nhà chồng cũ của Trước từ Ch’Ơm cầm vũ khí kéo lên yêu cầu: "Thằng Nhươn phải trả lại cho tau của hồi môn, nếu không máu đổ".

    Và thế là đàn bò 33 con, số tài sản cha mẹ Nhươn cả đời tích cóp, đã được lùa đi khỏi làng, để trả nợ số của hồi môn cho nhà chồng cũ của Trước.

    Thân phận những người phụ nữ Cơ Tu khi lấy chồng, thành vợ cả hay vợ lẽ đều rất vất vả, chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: Báo giao thông

    Tương tự, anh Zơ Râm Nhơnh ở thôn Dadinh 2, xã Gari sau khi đã có vợ con cũng được con gái thương và tự nguyện về làm vợ lẽ.

    Anh Nhơnh kể với PV Báo giao thông, năm 2008, anh gặp người vợ đầu Hôih Thị Mâu ở làng A Rooi cùng xã Gary. Ít lâu sau thì làm lễ cưới, ăn ở với nhau được gần 1 năm thì sinh được một người con gái. Đến năm 2011, anh gặp chị Bhlinh Sâm ở làng A Tinh và nảy sinh tình cảm. Không làm lễ cưới, nhưng chị Bhlinh Sâm tự nguyện về sống chung với vợ chồng anh Nhơnh, chấp nhận thân phận làm vợ lẽ. Đến nay, chị Bhlinh Sâm đã sinh cho anh Nhơnh một đứa con trai.

    Anh Nhơnh chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi sướng vì lấy được hai vợ, nhưng có ở gần trong làng mới biết chuyện trong gia đình nhiều lúc thật oái oăm. Ví như việc tiền bạc, của cải làm ra trong gia đình đều do vợ đầu nắm giữ. Vợ sau muốn có tiền mua sắm thứ gì đó cho cá nhân, con cái phải xin tiền vợ đầu. Nhiều lúc mâu thuẫn, cãi vã, mình phải đứng ra phân xử, rất đau đầu”.

    “Có những lúc vợ cả, vợ lẽ giận nhau, rồi giận luôn cả mình. Con cái, việc nhà, ruộng nương bỏ mặc không ai chăm non. Đến việc nằm ngủ, nghỉ ngơi cũng không biết nằm ở đâu. Vào chỗ vợ đầu thì bị xua đuổi, còn vợ sau thì không cho vào. Buồn phiền, mình chỉ biết ngồi uống rượu”, anh Nhơnh kể “khổ”.

    Vậy nhưng khi được hỏi “giờ có người phụ nữ muốn lấy anh làm chồng, anh có dám lấy nữa không?”, Zơ Râm Nhơnh cười xòa: “Nó thương mình, mình cứ lấy thôi…”.

    "Sát" gái hay nhiều tiền?

    Trường hợp của ông Coor Pliếc (gần 70 tuổi ở thôn Dadinh2) thì cả huyện biên giới Tây Giang đều biết vì ông nổi tiếng là “người đàn ông lấy nhiều vợ nhất”. Ông Pliếc có tới 3 bà vợ.

    "Vợ đầu của ổng là Alăng Thị Trơng (71 tuổi), vợ hai là Bhling Thị Nhơơn (44 tuổi), ngoạn mục nhất là 24 năm trước ông Pliếc bắt thêm vợ ba tên Alăng Thị Nhị trẻ măng. Đám trai làng vẫn đang lo ông Pliếc bắt thêm vợ nữa, già vậy nhưng tụi con gái thích ổng lắm" - Ông Pơ Loong Lá cùng thôn nói.

    Còn ông Alăng Thun thì khẳng định: "Ông Pliếc hay đi bẫy thú rừng, cơ thể có mùi hút phụ nữ. Họ nghe mùi là tìm đến ông". Trên bàn rượu, người ta cứ kể về những người đàn ông lắm vợ bằng nhiều chuyện ly kỳ như vậy.

    Ba ngôi nhà lớn đầu thôn Da Ding 2 (nhà phía bên phải) của ông Pliếc để ba vợ và 9 con sống. Ảnh: Tuổi trẻ

    Chưa biết độ "sát gái" của ông Pliếc cao cỡ nào nhưng việc ông có kinh tế khá giả là điều ai cũng công nhận. Ngôi nhà ông nằm ngay đầu thôn Dadinh2, được làm toàn bằng gỗ Pơ mu, cột kèo to hơn một vòng tay người ôm.

    “Ông Pliếc có 6 người con. 4 người con đầu (2 gái, 2 trai) đã lập gia đình, còn 2 người con ở với người vợ thứ 3 sắp lấy vợ, gả chồng, nhưng cũng theo gia đình vào rừng làm ăn, sinh sống. Gia đình ông Coor Pliếc là trường hợp hiếm hoi có “của ăn, của để”. Từ nhỏ ông Pliếc đã chăm chỉ làm việc, có thời gian sang Lào buôn bán nên kinh tế khá giả. Nhưng vì lấy nhiều vợ, sinh nhiều con nên ông Pliếc cũng phải làm lụng vất vả cho đến hôm nay”, trưởng thôn Da Ding 2 chia sẻ.

    Sạt nghiệp vì lấy vợ, lấy về bắt làm trả nợ

    Thực tế, việc lấy vợ, dù là vợ cả hay vợ lẽ của người đàn ông dân tộc Cơ Tu cũng không hề đơn giản. Khi chàng trai Cơ Tu bắt gặp một cô gái rồi đem lòng yêu mến, nếu cô gái cũng "ưng cái bụng" là họ đến với nhau. Lúc cưới gia đình nhà gái hầu như chẳng tốn kém gì cả mà còn nhận được nhiều sính lễ có giá trị từ gia đình nhà trai như trâu, bò, lợn, gà, chum ché... Nếu không phải là gia đình khá giả, thì việc cưới được người vợ trẻ đẹp là điều không tưởng.

    Như trường hợp anh Hốih Nhươn ở trên, gia đình chồng cũ của chị Trước phải trả 33 con bò làm của hồi môn, do đó khi chị bỏ đi, họ phải đến bắt đền người chồng sau của chị.

    Còn ông Ploong Điêm (71 tuổi, thôn Apool, xã Gari), người có hai vợ, cũng cho hay, để lấy người vợ lẽ vào năm 1992, sau khi xin vợ cả và nhận được sự ưng thuận, ông phải tốn 11 con bò, 4 chỉ vàng với nhiều chum ché cho nhà vợ lẽ.

    Nhiều thanh niên Cơ Tu nghèo chỉ có thế lấy những phụ nữ lớn tuổi hơn, đã góa chồng do chỉ phải trả sính lễ ít hơn. Thậm chí có người còn không thể lấy được người vợ nào. Trong khi, những gia đình khá giả, có điều kiện, lại muốn con lấy thêm vợ để sinh thêm nhiều con cái.

    Nhưng cũng chính vì việc tốn kém này nên người đàn ông Cơ Tu đã tự cho mình như ông chủ, cưới vợ về nhà là để làm "thay" mình. Với họ, người vợ chỉ ngang hàng với các con vật nuôi trong nhà, lấy vợ là để phục vụ, để trả nợ "hồi môn" cho họ.

    PV Sức khỏe & Đời sống từng bắt gặp cảnh anh ALăng Thanh (ở xã Tr'Hy, huyện Tây Giang) đang thản nhiên che dù đi trước, còn phía sau là người vợ đang gùi một gùi nặng trên lưng.

    Khi được hỏi, anh thản nhiên nói: "Kệ nó, mình không làm chi. Vì mình đã tốn mất hai con bò, ba con lợn, mười ang thóc mới đưa (cưới) nó về. Bây giờ nó (vợ) phải làm cả đời để bù lại".

    Phía sau anh, chị vợ ALăng Thị Prứa câm lặng, hốc hác gầy như thanh củi khô đang ráng hết sức, oằn cả lưng đỡ những bao sắn lên vai mà tôi cảm thấy quặn đau.

    Phong tục "kéo vợ", "bắt vợ" của người Cơ Tu không còn nữa. Phong tục ấy giờ đây đã hết, nhưng nay lại sang những lễ rước dâu mang nặng "mùi kinh tế" để rồi hậu quả của nó là hành thân "xác" người phụ nữ.

    "Cực lắm các anh ơi, nhưng ở đây đàn bà con gái thì ai cũng phải chịu thế thôi, quen rồi. Cảnh nó (chồng) đi uống rượu về đánh cho thường xuyên cũng chẳng để ý gì nữa. Đã lấy nhau rồi thì không ai ly hôn cả dù phải chịu tủi nhục cả đời, vì nếu ly hôn thì lấy tiền, trâu, bò đâu mà trả lại cho nhà nó (nhà chồng)?" - Chị BLâu Thị Nhớ (xã Ch'Ơm) bùi ngùi.

    Anh Zơ Râm Nhơnh ngồi uống rượu trong khi 2 người vợ lên nương rẫy làm lụng vất vả. Ảnh: Báo giao thông

    Đến làng của người Cơ Tu, cảnh mà mọi người thường bắt gặp vào buổi sáng là những người đàn ông đã có gia đình rảnh rang ngồi xơi rượu, còn những bà vợ của họ thì phải vất vả đi làm nương, làm rẫy, kiếm miếng cơm manh áo nuôi chồng, nuôi con.

    Dần xóa bỏ các hủ tục lâu đời

    Ông Briu Liếc - Chủ tịch huyện Tây Giang cho biết: "Huyện Tây Giang có hơn hơn 95% dân số là người Cơ Tu thì có 60,8% là hộ nghèo cũng do những tập tục lạc hậu đem lại. Từ trước tới giờ người đàn ông Cơ Tu làm việc rất ít, thường ngày họ lên rừng chiết rượu từ cây T'Đin về uống, mọi công việc nương rẫy nặng nhọc đổ cả lên đôi vai người vợ, người mẹ".

    Còn ông A Rất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng tình trạng này đã cải thiện rất nhiều.

    “Tình trạng đàn ông lấy hai, ba vợ đang nảy sinh những bất cập, hệ lụy về thực hiện chế độ chính sách, hộ tịch, hộ khẩu, vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình…

    Ngoài ra, điều này còn là mầm mống nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong đời sống, nhất là quyền lợi của người phụ nữ, trẻ em thường bị xâm phạm, bị bạo hành. Vì vậy, chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục này”, ông Blúi cho hay.

    Bây giờ, ông Điêm dạy con cháu chỉ một vợ một chồng. Ảnh: Tuổi trẻ

    Dựa vào các già làng, trưởng bản nói với người dân trong các cuộc họp làng, các cán bộ UBND huyện Tây Giang đã kết hợp với Bộ đội biên phòng các đồn 651; 649, đã nhiều lần tuyên truyền, đi đến từng nhà, thôn bản, vận động đồng bào xoá bỏ tập tục lạc hậu. Tư vấn về pháp luật hôn nhân gia đình, hỗ trợ tư pháp cho cấp xã về quản lý, cung cấp thông tin tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số ở địa bàn dân cư.

    Việc những người đàn ông Cơ Tu nhiều vợ giờ hiếm hoi dần. Người dân đã ý thức chuyện một vợ một chồng. Ông Ría’h Nhênh - phó chủ tịch UBND xã Gari - cho biết: "Đó là phong tục ngàn đời của người Cơ Tu. Chính quyền vận động để dần thay đổi ý thức. Nhiều năm rồi, không có thêm ông nào lắm vợ ở xã nữa đâu".

    Ngày nay, người Cơ tu vẫn giữ được nét văn hóa trong tục cưới xin như hát lý, múa tung tung za zá,… Nhưng những yêu cầu khắt khe đã dần được cải thiện, trâu được thay bằng thú 4 chân như heo hoặc con vật khác, cô dâu sau đám cưới vẫn được phép về thăm bố mẹ, chứ không bị cấm tuyệt giao như trước kia.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nan-da-the-tren-day-truong-son-ly-ky-suc-song-cua-mot-hu-tuc-a328288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan