(ĐSPL) - Thấy người mặc sắc phục công an đi đến, Tuấn Anh đã giở thói "côn đồ" lao đến đánh, túm áo chiến sĩ công an.
Báo Lâm Đồng dẫn thông tin từ Công an huyện Cát Tiên chiều ngày 2/12 cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý Lê Tuấn Anh (sinh năm 1992, trú tại tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) về hành vi Chống người thi hành công vụ.
Theo báo Trí thức trẻ, khoảng 21h30 ngày 29/11, anh Tăng Xuân Cường (Trưởng Công an thị trấn Cát Tiên) cùng 2 chiến sĩ Đinh Văn Nam và Nguyễn Hữu Nhung đang trực tại trụ sở.
Lúc này Lê Tuấn Anh điều khiển xe máy đèo phía sau Đặng Lê Thanh (SN 1993, trú huyện Tân Phú, Đồng Nai) đi ngang qua có hành động la hét, rú ga ầm ĩ sau đó dựng xe ngay giữa đường. Lúc này cả hai không đội mũ bảo hểm.
Nhận thấy Tuấn Anh có dấu hiệu say xỉn, hành vi gây cản trở giao thông nên anh Nhung được phân công ra giải quyết vụ việc.
Thấy người mặc sắc phục công an đi đến, Tuấn Anh đã lao đến đánh, túm áo anh Nhung giật, hậu quả làm bung cúc áo và rơi bảng tên xuống đất.
Khi anh Cường và Nam ra hỗ trợ thì Tuấn Anh rút 2 con dao dài khoảng 20cm trong xe máy rượt đuổi anh Nhung. Anh Nhung chạy vào trụ sở để lấy công cụ hỗ trợ rồi quay ra cùng 2 đồng đội và bạn đi cùng Tuấn Anh khống chế đưa đối tượng vào trụ sở công an để làm việc.
Tại phòng làm việc, khi thấy anh Nhung đi vào, Tuấn Anh liền cầm gậy điều khiển giao thông đang đặt trên bàn nhảy qua bàn làm việc tiếp tục đánh anh Nhung nhưng anh Nhung tránh được. Cú vụt gậy của Tuấn Anh trúng vào máy in và quạt điện trong phòng.
Ngay sau đó, Tuấn Anh được yêu cầu về trụ sở Công an huyện Cát Tiên để làm việc nhưng đối tượng không chấp hành.
Manh động hơn, khi cán bộ Công an huyện Cát Tiên là anh Hoàng Ngọc Năm được điều đến áp giải Tuấn Anh về trụ sở công an huyện liền bị đối tượng lao vào hành hung.
Hậu quả của vụ quậy phá trụ sở công an đã khiến anh Nhung bị bầm mặt, anh Năm bị rách mí mắt, máy in và quạt điện tại trụ sở công an thị trấn bị hư hỏng.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; D) Gây hậu quả nghiêm trọng; Đ) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)