Theo hãng tin 163, Tiểu Lý (tên nhân vật đã được thay đổi) là tân sinh viên năm nhất trường Đại học Y Đại Liên (thành phố Đại Liện, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Đây là một ngôi trường đại học có thế mạnh về ngành y nhưng ngoài ra còn đào tạo nhiều chuyên ngành khác.
Sau kỳ thì quốc gia Gaokao năm nay, Tiểu Lý trúng tuyển vào chuyên ngành truyền thông thị giác thuộc khoa Mỹ thuật của trường.
Tuy là một chuyên ngành nghệ thuật nhưng điểm của Tiểu Lý "không phải dạng vừa", cậu đạt 461,6 điểm và trở thành sinh viên có điểm cao nhất của chuyên ngành nghệ thuật.
Như bao tân sinh viên khác, Tiểu Lý vô cùng phấn khích trong ngày nhập học, bởi đây chính là "cánh cửa thành công" mà trong 12 năm đèn sách cậu mong đến.
Không ngờ sau 5 ngày, Tiểu Lý nhận được đơn buộc thôi học từ nhà trường với lý do vô cùng khó hiểu. Trong buổi kiểm tra sức khỏe nhập học của trường, Tiểu Lý bị phát hiện mắc bệnh mù màu và không đủ tiêu chuẩn để theo học chuyên ngành mỹ thuật.
Được biết, trước khi lựa chọn chuyên ngành mỹ thuật này, Tiểu Lý đã đi kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ kết luận câu chỉ bị nhược sắc và không ảnh hưởng đến chuyên ngàng mỹ thuật cậu chọn.
Do đó, sau khi nhận thông báo buộc thôi học từ nhà trường, Tiểu Lý và gia đình không thể chấp nhận kết quả đó. Họ tiếp tục đến 2 bệnh viện hạng A khác nhau để kiểm tra.
Một là quay lại bệnh viện trực thuộc Đại học Y Đại Liên, cả kiểm tra ban đầu và kiểm tra lại đều mù màu. Sau đó, Tiểu Lý đến bệnh viện Trung ương Đại Liên để xét nghiệm, kết quả cậu chỉ bị nhược sắc.
Tuy nhiên, phía nhà trường chỉ công nhận kết quả kiểm tra của bệnh viện trực thuộc của trường nên Tiểu Lý đành miễn cưỡng ký vào đơn thôi học.
Dù thế nào đi chăng nữa, Tiểu Lý cũng không thể chấp nhận kết quả này và chọn cách phơi bày sự việc trên mạng để đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.
Đa phần cư dân mạng Trung Quốc đều cho rằng Tiểu Lý đã vượt qua kỳ thi Gaokao một cách xuất sắc và đỗ vào được một trường danh giá, điều đó đã chứng tỏ năng lực của Tiểu Lý là vượt trội và không có chuyện không học được.
Một số ý kiến khác cho rằng bị buộc thôi học là một vết nhơ trong đời mỗi người học trò, khiến mọi người có thể đánh giá học sinh đó đã làm điều đồi bại về đạo đức. Điều này là bất công với người có năng lực như Tiểu Lý.
Không ít người động viên Tiểu Lý giữ vững phong độ để năm sau thi lại nhưng ý kiến phản đối cho rằng như vậy sẽ lỡ mất 1 năm thanh xuân, hay "sự tra tấn" của một kỳ thi đại học là không hề dễ chịu và rất ít học sinh sẵn sàng trải qua một lần nữa.
Hiện câu chuyện của Tiểu Lý vẫn nhận được nhiều sự quan tâm và bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc.
Hoa Vũ (Theo 163)