Thiếu tiền tiêu xài, Khang rủ bạn bè về nhà "đục" két sắt của bố mẹ bên trong chứa nhiều tiền, vàng và đô la Mỹ.
Theo tin tức đăng tải trên báo Tri thức trực tuyến, ngày 10/4, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên y án với Trầm Thị Quế Hương (34 tuổi) 8 năm tù, Bùi Trí Tài và Lâm Thế Phương (cùng 21 tuổi, ngụ tại TP.HCM) mỗi người 5 năm tù về tội Trộm cắp tài sản.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (55 tuổi, mẹ Hương) cũng bị tuyên 3 năm tù treo về tội Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Các bị cáo giúp Khang trộm một tỷ lãnh án - Ảnh: báo Dân Việt |
Báo VietNamNet dẫn cáo trạng của TAND cấp cao tại TP. HCM, ngày 27/10/2014, Trần Bảo Duy Khang gọi điện thoại rủ Trần Thị Quế Hương đi chơi rồi tâm sự muốn bỏ học, đi bụi đời theo Hương. Sau đó, Khang tiết lộ cho Hương biết trong nhà mình có két sắt để trên lầu 2, bên trong có chứa nhiều vàng và bàn với Hương trộm chiếc két.
Để thực hiện, Hương rủ Tài và Lâm Thế Phương tới trợ giúp. Trưa hôm sau, cả nhà đi vắng, Bảo mở cửa cho “các bạn” vào nhà. Khi cả 4 đang loay hoay bê chiếc két ra thì anh trai của Khang nhìn thấy, Khang nói dối anh là do két hỏng nên cha gọi người tới sửa. Tưởng thật, anh trai Khang còn phụ giúp nhóm trộm bê chiếc két ra ngoài. Sau đó, cả nhóm chở chiếc két về nhà Hương.
Gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - mẹ Hương, Hương nói chiếc két là của Khang nhưng do khóa bị hư nên nhờ Hương kiếm người mở két giùm. Tưởng thật, bà Quỳnh cùng Hương đi tìm thợ mở két. Toàn bộ số tiền, vàng, USD trong két lên tới gần 1 tỷ đồng, Hương nhờ mẹ đứng tên mang gửi ngân hàng cho Khang.
Khi phát hiện chiếc két bị con trai “cuỗm” mất, ông Trần Vũ Thám (cha của Khang) đã tới cơ quan công an trình báo. Ngay sau đó, nhóm trộm đã bị bắt giữ.
Theo kết quả giám định tâm thần, trước, trong và sau khi gây án, Khang bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi và có một vài biểu hiện của biến đổi nhân cách nên cơ quan điều tra không khởi tố đối với Khang.
Ngay trong giai đoạn điều tra và tại phiên xét xử sơ thẩm, ông Thám đã rút đơn tố cáo, đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Bởi theo ông Thám, số tài sản được xác định bị trộm trong vụ án, ông và gia đình đã cho Khang và Khang chính là người đã nhờ các bị cáo đem két sắt ra khỏi nhà. Vì vậy, đây là tài sản của Khang nên Khang có toàn quyền định đoạt.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)