+Aa-
    Zalo

    Nam sinh chịu di chứng bại não trúng tuyển ĐH Công nghiệp TP.HCM: “Có tri thức, em tin mình có cơ hội tìm việc đến 50%”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cậu học trò Lê Tấn Đạt tin chỉ khi mình có công việc ổn định mới lo được cho cha mẹ.

    Cậu học trò Lê Tấn Đạt tin chỉ khi mình có công việc ổn định mới lo được cho cha mẹ. Còn cha mẹ em thì  mong rằng lúc "nhắm mắt xuôi tay" sẽ không phải đau đáu về đứa con chịu nhiều thiệt thòi nữa.

    Nam sinh Lê Tấn Đạt hàng ngày đều được mẹ đưa đến trường. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

    Nhận được tin con trai Lê Tấn Đạt trúng tuyển ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM bằng phương thức xét tuyển học bạ là niềm vui lớn nhất trong 18 năm qua đối với vợ chồng chị Lê Thị Gấm (ngụ xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang).

    Chị Lê Thị Gấm cho biết Đạt sinh non. Năm 2 tuổi, hai chân em co quắp, bác sĩ kết luận việc đi lại của Đạt sẽ rất khó khăn, cơ thể chậm phát triển do di chứng của bệnh bại não với tỷ lệ 81%. May thay, trí tuệ của Đạt vẫn phát triển bình thường.

    Qua 2 lần phẫu thuật, Đạt có thể tập đi từng bước, tay chân cũng khá linh hoạt mặc dù còn rất khó khăn.Trong học tập, Đạt luôn tìm tòi và cố gắng rất nhiều. Ngoài giờ học, Đạt nỗ lực luyện tập nhưng đến nay việc chạy nhảy như bạn bè cùng lứa tuổi vẫn là niềm ước mơ lớn nhất của em. Vì vậy Đạt xác định nghề phù hợp nhất với mình là công nghệ thông tin.

    “Mọi người khuyên em nghỉ học vì người lành lặn đi học còn thất nghiệp, huống chi em bị tật nguyền. Em thì nghĩ nếu ở nhà có thể lao động chân tay, mà không ai lại thuê người mất khả năng lao động đến 81%. Có tri thức, em tin mình sẽ có cơ hội tìm được việc đến 50”, Đạt tâm sự về những nỗ lực của mình suốt thời gian qua. 

    Được biết Mẹ của Đạt ngoài giờ đưa con đến trường thì tất tả chạy về chợ Nhị Quý để ai thuê gì làm nấy. Thu nhập của cả gia đình hiện nay trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của người chồng là anh Lê Văn Ga.

    Để an lòng mẹ cha, Đạt ra sức học tập. Trong học bạ của Đạt có những môn điểm trung bình đến 9,9. Đạt xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngành công nghệ thông tin với điểm trung bình 3 môn: ngữ văn 9, toán 8,4 và tiếng Anh 8,3. “Từ bé, chứng kiến sự khó khăn, vất vả của cha mẹ nên em không ước mơ gì nhiều ngoài việc học xong đại học. Ra trường có việc làm ổn định để chăm lo cho ba mẹ, bù đắp phần nào sự hy sinh, tần tảo”, Đạt nói.

    Đạt chia sẻ nếu tình thương của cha mẹ là điều quý báu nhất của em suốt cuộc đời thì bạn bè ở ngôi trường cấp III càng giúp em thêm lạc quan và vững tin.

    "Ba năm THPT, em biết bạn bè, thầy cô đều rất cực khi có em trong lớp. Các bạn không nề hà hay khó chịu gì khi giúp đẩy em đến phòng vệ sinh, mua thức ăn cho em mỗi buổi trưa. Lẽ ra các bạn có thể về sớm hơn, dành thêm thời gian ôn bài nhưng các bạn vẫn nhẫn nại ngày này qua tháng khác. Em thương và nhớ ơn các bạn lắm" - Đạt tâm sự.

    Chặng đường trước mắt, Đạt đã sẵn sàng, duy chỉ có chi phí sinh hoạt, ăn ở rồi tiền đóng học là phải vay mượn khắp nơi.

    Mẹ của Đạt dự định, thời gian sắp tới ngoài thời gian đưa con đến giảng đường, bà sẽ kiếm việc làm thêm. Buổi tối có thể nhận quần áo về sửa. Hai mẹ con đều ý thức rằng chặng đường phía trước sẽ gian nan lắm nhưng không khó khăn nào làm họ lùi bước, như cách mà họ đã "sống chung" với định mệnh bao nhiêu năm nay.

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-sinh-chiu-di-chung-bai-nao-trung-tuyen-dh-cong-nghiep-tphcm-co-tri-thuc-em-tin-minh-co-co-hoi-tim-viec-den-50-a288118.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan