(ĐSPL)- Trong hai tháng, nam rapper được nhiều bạn trẻ yêu thích bị cho là đã cùng đồng bọn sử dụng thẻ giả mua hàng, chiếm đoạt khoảng một tỷ đồng.
Tin tức từ Tri thức trực tuyến, theo cáo buộc, Bùi Đình Hảo (24 tuổi, ở Quảng Ninh) là sinh viên một trường đại học về công nghệ thông tin.
Am hiểu công nghệ, Hảo đã phát hiện lỗi trên hệ thống thanh toán trực tuyến và chuyển tiền qua mạng của công ty Paypal. Năm 2013, thanh niên này cấu kết với Vũ Phong (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT công ty chuyên cung cấp thẻ visa, thẻ trả trước) rút tiền mặt hoặc mua hàng hóa chiếm đoạt tài sản. Bộ đôi này thỏa thuận tỷ lệ ăn chia: Hảo hưởng 70\%, Phong 30\% số tiền rút ra được.
Bùi Đình Hảo vốn là 1 Rapper khá nối tiếng. Hảo học giỏi văn (từng đạt giải khuyến khích Văn TP. Uông Bí từ năm lớp 9, có năng khiếu âm nhạc và công nghệ thông tin. Hồi cấp 3, Hảo từng lập một trang web riêng, là diễn đàn cho giới trẻ ở Uông Bí, sáng tác nhạc và trở thành một rapper được nhiều bạn trẻ ưa thích.
Phiên tòa xét xử nam thanh niên dùng thẻ tín dụng giả lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng. |
Để thực hiện, Hảo chi tiền mua thông tin cá nhân của công dân Mỹ qua các trang mạng. Nam sinh 24 tuổi lên các diễn đàn lấy thẻ tín dụng đã hết hạn sử dụng để khởi tạo mới.
Lợi dụng sự không chặt chẽ của hệ thống Paypal, Hảo nâng cấp tài khoản thông thường lên hạng thương gia. Tài khoản này có chức năng đặc biệt là được phép ứng tiền trước để chủ động thanh toán hoặc chi trả cho khách hàng.
Sử dụng thẻ tín dụng không có mã bảo mật, Hảo khai báo gian dối tiền giao dịch để Paypal ứng trước tiền. Thủ tục ứng tiền hoàn tất, Paypal chấp nhận tăng số dư tài khoản theo yêu cầu khoảng 900 – 950 USD.
Lúc này, Hảo liên hệ với Phong lấy mã thẻ ngân hàng chuyển tiền sang tài khoản cá nhân và rút tiền. Để rút được tiền từ các tài khoản giả do Hảo cung cấp, Phong nhờ người rút tiền mặt để mua máy tính bảng, iPhone…
Ngoài ra, Phong còn tìm đến Nguyễn Văn Dũng (giám đốc công ty du lịch) để rút những khoản tiền kếch xù bằng cách lập các đơn đặt mua tour du lịch.
Nhận được tiền ngân hàng giải ngân vào tài khoản cá nhân, Dũng chuyển cho Phong 90\% còn bản thân hưởng 10\%.
Cơ quan tố tụng truy tố Hảo cùng đồng bọn chiếm đoạt được gần 1,1 tỷ đồng. Trong số đó, Hảo kiếm lời 379 triệu đồng; Phong 163 triệu đồng và Dũng 48 triệu đồng.
Sau một ngày xét xử, chiều 17/8, TAND TP Hà Nội xử phạt Hảo 11 năm; Phong 8,5 năm và Dũng 7,5 năm cùng về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.
Cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thương mại điện tử Theo Người đưa tin, hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, công nghệ thông tin có tốc độ phát triển nhanh. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội bao gồm cả trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chi tiêu, thanh toán ngân sách quốc gia, thu thuế, phát triển thanh toán điện tử như sử dụng thẻ tín dụng ATM, chuyển tiền điện tử đang dần được thay thế phương tiện thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên công tác quản lý thẻ tín dụng của một số ngân hàng còn sơ hở nên nhiều đối tượng đã lấy cắp thông tin cá nhân của các chủ tài khoản sau đó làm thẻ giả để mua hàng hóa, sản phẩm công nghệ cao. Đây là hiện tượng diễn ra tương đối phổ biến. Ngoài ra tội phạm sử dụng công nghệ cao còn lấy cắp thẻ tín dụng của người nước ngoài sau đó nhập cảnh vào một nước khác để rút tiền. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý và trang bị thêm công cụ cho cơ quan tố tụng, đồng thời bổ sung các hành vi liên quan đến vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử vào Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, cần bổ sung tính pháp lý của chứng cứ điện tử trong Bộ luật tố tụng hình sự và ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin để có cơ sở pháp lý xử lý loại tội phạm công nghệ cao. |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]bdgXDgzF2t[/mecloud]