Các sinh viên hiểu được rằng Nam Phi là điểm nóng của Omicron - một biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện, đang lan truyền sự hoảng loạn trên toàn cầu. Song nhiều sinh viên lo lắng về việc biến chủng này sẽ làm xáo trộn các kỳ thi và kế hoạch nghỉ lễ như thế nào hơn là việc bị nhiễm COVID-19.
Tại Đại học Công nghệ Tshwane (TUT), ở thủ đô Pretoria, các sinh viên uể oải đi ngang qua khuôn viên xanh rợp bóng cây, trò chuyện, mua nước ngọt, dán mắt vào điện thoại và ngồi trên ghế dài nhìn ra hồ nước.
Hầu hết đều đeo khẩu trang, một số ít thì không. Nhiều người đã được tiêm phòng, một số cố chấp không tiêm. Khoảng 30 sinh viên được phỏng vấn bởi Reuters hầu hết lo ngại về việc lớp học của họ lại bị gián đoạn.
"Biến thể này đã khiến chúng tôi bối rối. Nó đồng nghĩa với việc có nhiều lớp học trực tuyến hơn, khiến việc học trở nên khó khăn hơn", sinh viên Nqubeko Chisale, 21 tuổi, cho biết. “Đôi khi Internet không hoạt động. Tôi cần được học trực tiếp với giáo viên".
Các nhà khoa học đang phân tích Omicron để xem liệu nó có làm mất khả năng miễn dịch của người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm bệnh hay không.
Trong khi đó, chính phủ đang nỗ lực cố gắng triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đồng thời thúc giục hủy bỏ các sự kiện có khả năng lây lan siêu cao, chẳng hạn như các bữa tiệc và lễ hội lớn của sinh viên vào thời điểm này trong năm.
Một số sự kiện đã bị dừng đột ngột, bao gồm một lễ hội âm nhạc dành cho những người trẻ tuổi trên bờ biển, sau khi 36 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại địa điểm này.
Một số dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều người trẻ mắc các triệu chứng nghiêm trọng mà người già thường mắc phải. Bên cạnh đó, số liệu chính thức cho thấy thanh thiếu niên cũng là đối tượng ít được tiêm chủng nhất. Chỉ 1/5 trong số những người từ 18 đến 34 tuổi đã được tiêm vaccine. Một phần nguyên nhân là do những niềm tin sai lầm về sự an toàn của vaccine.
Chisale thừa nhận mình thuộc nhóm 4/5 còn lại: "Rất nhiều điều tôi đã nghe về vaccine như: nó khiến bạn bị ốm, đau đầu. Tôi không nghĩ rằng mình đã sẵn sàng”.
Nhiều sinh viên khác đã thành công trong việc bỏ qua hàng núi thông tin sai lệch để tiêm vaccine phòng COVID-19, như nữ sinh viên Sinethemba Nkosi (20 tuổi).
Những người bạn cùng nhóm với Nkosi cũng đã tiêm phòng, trừ một người. Và nam thanh niên này là người duy nhất trong nhóm mắc COVID-19 thời gian gần đây. Nkosi không lây COVID-19 từ người này dù sống chung nhà trọ.
"Tôi đã khuyên cậu ấy tiêm vaccine, nhưng cậu ấy lo lắng về các tác dụng phụ", Nkosi nói về người bạn của mình, người đã phải nằm li bì trên giường vì sốt từ tuần trước.
Mối quan tâm lớn hơn của Nkosi lúc này là sự chậm trễ của các kỳ thi mà cô ấy đã muốn hoàn thành càng sớm càng tốt.
Tại một bàn ăn dưới gốc cây bên ngoài căng tin trường đại học, hai sinh viên Thato Letsholo và Nkanyiso Sithole vừa dùng bữa, vừa tranh cãi về vaccine và phàn nàn về các lớp học trực tuyến.
Khi được hỏi có lo lắng về COVID-19 hay không, Letsholo nói: “Có chứ. Vì nó đang khiến nhiều người tử vong". Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của Letsholo lại là việc học trực tuyến và khả năng phải học lại một năm nếu thời khoá biểu bị xáo trộn.
Mẹ của Letsholo là một y tá, vì vậy bà đã thuyết phục con trai tiêm vaccine. “Tôi cũng đang cố gắng thuyết phục cậu ấy”, Sithole nói với phóng viên Reuters rồi tiếp tục tranh luận với Letsholo.
Cùng quan điểm với Letsholo, Tshepo Legon khẳng định mình sẽ không tiêm vaccine. "Tôi không quan tâm đến biến thể mới. Nếu nhiễm Omicron, tôi sẽ dùng các bài thuốc gia truyền", Legon nói.
Số ca mắc mới COVID-19 ở Nam Phi đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian một tuần, từ 2,828 ca vào ngày 26/11 lên 16,055 ca vào ngày 3/12. Khoảng 25% số mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính, cao hơn gấp 10 lần so với con số 2% cách đây 2 tuần.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mới đây tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm vaccine khi quốc gia này phải đối mặt với sự gia tăng chưa từng thấy của số ca bệnh do biến thể mới Omicron.
Tổng thống Ramaphosa cảnh báo trong bản tin hàng tuần: “Chúng ta đang trải qua một tỷ lệ lây nhiễm mà chúng ta chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bắt đầu.Tôi kêu gọi tất cả người dân Nam Phi hãy ra ngoài và tiêm phòng ngay lập tức”.
Với nguồn cung dồi dào vaccine Pfizer và Johnson & Johnson, chính phủ Nam Phi từng đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số vào cuối năm nay. Nhưng mục tiêu này đã được chuyển sang tháng 3/2022.
Mộc Miên (Theo Reuters)