+Aa-
    Zalo

    Năm con dê kể chuyện 3 đại gia địa ốc tuổi Mùi của Sài Gòn xưa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có ba con người gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn cách đây ngót thế kỷ. Dấu ấn của họ còn để lại rất đậm nét, họ đều mang tuổi Mùi. Họ là ai? Trước nhất đó

    (ĐSPL) - Có ba con người gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn cách đây ngót thế kỷ. Dấu ấn của họ còn để lại rất đậm nét, họ đều mang tuổi Mùi. Họ là ai?

    Trước nhất đó là Hui Bon Hoa (còn gọi là Chú Hỏa). Người thứ hai có tên là Huỳnh Thới hay Hoàng Thái, mà tên tiếng Hoa âm theo tiếng Pháp là Wang Tai. Người thứ ba là Quách Đàm. Cả ba người đều có liên quan tới lĩnh vực địa ốc. Và sau nhiều tư liệu thu thập về Sài Gòn xưa, chúng tôi thấy có sự hết sức lý thú là cả ba người đều tuổi Mùi.

    Giải mã những bí mật số phận

    Trong số này người lớn tuổi nhất có lẽ là Wang Tai. Ông này lớn hơn Chú Hỏa và Quách Đàm một con giáp. Trước khi kể về Chú Hỏa và Quách Đàm, xin nói rõ hơn về nhân vật tên Wang Tai này một chút. Bởi, ông ta tuy là người mở đường cho việc làm giàu của các dân nhập cư từ phương Bắc tới đất Sài Gòn đầu tiên nhưng trong dân gian lại ít biết đến tên ông như Chú Hỏa và Quách Đàm sau này. Theo một tư liệu mà chúng tôi có được, Wang Tai chính là người đầu tiên đứng ra xây dựng một tòa nhà ngay bên bờ con kênh, nằm sát vùng thành phụng, tức nằm ngay bên bờ kênh sau này gọi là kinh Lấp.

    Bởi vào những năm đầu của thập niên 1860 thì con kênh ấy bị lấp đi để biến thành một con đường (nay là đường Nguyễn Huệ). Thời ấy từ sông Bến Nghé có một con kênh chảy tận đến tòa Thị Chính (nay là trụ sở UBND TP.HCM). Mà vòng thành kiên cố của Thành Phụng được vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho xây dựng, sau khi chính ông đã cho đập một thành lớn hơn khác là Thành Quy. Chính cái vòng Thành Phụng và con kênh chúng tôi vừa nói, đã tạo nên cụm từ Bến Thành. Ngay đầu con kênh này, có một tòa nhà to lớn mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy, chính là trụ sở của Cục Hải quan TP.HCM, là do chính Wang Tai làm chủ sở hữu.

    Vào thời ấy, tòa nhà do Wang Tai xây dựng được đánh giá là một trong những tòa nhà đẹp nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, khi xây xong, thì chỉ hơn chục năm sau, người có tên là Wang Tai này bị phá sản rồi biến mất khỏi thương trường của Hòn Ngọc Viễn Đông. Người ta đồn rằng nguyên do ông ta đã phạm một sai lầm về thuật phong thủy khi cho xây tòa nhà ấy hoặc có thể là do con kênh nằm bên hông ngôi nhà (tức sau này bị lấp đi thành được Charner rồi Nguyễn Huệ). Có nghĩa là, ngôi nhà ấy được xây ngay yết hầu của long mạch, mà khi cái long mạch (tức con kênh) bị lấp đi, thì long mạch bị vô hiệu hóa nên lão ta bị phá sản.

    Người thứ hai tuổi Mùi là lão Quách Đàm, người đứng ra xây dựng chợ Bình Tây còn cho đến ngày nay. Ông này đầu tiên chiếm một vùng đất nằm sát bên một con kênh khác ở vùng Chợ Lớn, chảy từ xóm Củi, tức bên cạnh cầu Chà Và ngày nay, chạy thẳng theo đường Goudot (ngày nay là đường Hải Thượng Lãn Ông) và phất lên như diều gặp gió. Do có người bảo rằng, con sông đó là cái long mạch yểm trợ cho sự giàu lên của Quách Đàm. Tuy nhiên, ông ta khởi xướng xây chợ Bình Tây để đánh đổi với nhà nước thuộc địa Pháp lúc bấy giờ, bằng cách xây dựng hai dãy phố xung quanh chợ Bình Tây và những phố xá khác để thu lợi rất lớn. Chính việc ấy đã hại lão ta.

    Tượng Quách Đàm trước chợ Bình Tây.

    Con kênh đó bị chính quyền Pháp ra lệnh lấp để hình thành một con đường nhựa khá lớn. Đường có tên như Goudot vừa nói là nguyên nhân của long mạch bị đứt, dẫn tới sự phá sản của nhân vật giàu nhất nhì Sài Gòn thời ấy.

    Riêng Chú Hỏa thì còn ly kỳ hơn, nhưng số phận của nhân vật này lại đi ngược lại với hai nhân vật vừa kể trên. Cùng tuổi với Quách Đàm và cũng khởi nghiệp từ nghèo khó đi lên để trở thành đại phú gia và cũng chuyên kinh doanh về địa ốc. Nhưng người ta nói Chú Hỏa may mắn hơn hai nhân vật kể trên do ông đã chọn đúng cái long mạch quý hiếm của Sài Gòn vào thời ấy, nên sự nghiệp vững vàng, cơ ngơi trường tồn mãi mãi với thời gian.

    Ngôi nhà của Chú Hỏa từng được coi là tốt về phong thủy.

    Tả bạch hổ, hữu thanh long và hồi kết của phong thủy

    Như chúng ta biết ngôi nhà đồ sộ còn lại đến ngày nay ở đường Phó Đức Chính (quận 1), được gọi là dinh cơ của Chú Hỏa, mà bây giờ là bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, được xây dựng trên một đầm lầy rộng lớn. Về phong thủy, nhiều người lắc đầu ngao ngán khi thấy Chú Hỏa chọn để xây một cơ ngơi đồ sộ ở nơi ấy. Vùng đất này, bao gồm từ bến Chương Dương, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối ra tới giáp đường Phó Đức Chính ngày nay, chạy lên tận chợ Bến Thành, mà khi ấy chợ chưa xây dựng vốn là một cái đầm lầy Marin, được đặt tên là Marin De Boresse (có nghĩa là đầm lầy Boresse).

    Người ta đồn rằng, sở dĩ Chú Hỏa chọn vùng đất hiểm địa này để tạo lập cơ ngơi, là do ông ta được một thầy phong thủy từ Hương Cảng (Hong Kong) sang tận nơi để xem xét rồi phán quyết rằng, cái đầm lầy này thật ra là nơi long ẩn (tức là rồng ẩn nấp). Nếu ai dám đầu tư xây dựng ngay trung tâm cái hồ long ẩn ấy, thì sẽ phất lên to, giàu nhất xứ! Chú Hỏa đã nghe lời và cho đổ tiền của khổng lồ vào đó, để xây dựng hai tòa nhà lớn gọi là dinh thự Chú Hỏa. Tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc nửa Á nửa Âu và ở thế chân vạc vững chãi với mặt hướng về Đông còn hai bên hữu thanh long tả bạch hổ rất rõ ràng. Mặt hai tòa nhà phụ kề bên tòa nhà chính.

    Và thuyết phong thủy thì kết luận rằng đó là cách xây nhà khôn ngoan và đúng phép nên sẽ trường tồn theo thời gian, đồng thời giúp cho chủ nhân của ngôi nhà sẽ mãi mãi phát đạt, sung túc. Thực tế cho thấy điều ấy không sai. Chú Hỏa cũng phất lên đồng thời với hai nhân vật kể trên. Nhưng trong khi Wang Tai thì phá sản biến mất, Quách Đàm buôn bán quá lớn, để rồi bất ngờ bị cuộc khủng hoảng kinh tế 1930 - 1940 quật cho một cú sụp luôn không ngồi dậy nổi, chỉ còn lại cái danh tiếng Thông Hiệp Quách Đàm và ngôi chợ Bình Tây cho đến hiện nay thì Chú Hỏa xây nhà đúng trên mạch rồng và làm ăn có bài bản cho nên càng ngày càng phất.

    Qua việc ba nhân vật vừa kể trên, có thể nói đất Sài Gòn là vùng đất mới so với sự hình thành và phát triển của cả nước Việt Nam chúng ta. Nhưng qua nhiều biến thiên của lịch sử, đất Sài Gòn từng sản sinh ra những con người lừng danh là đại phú gia. Nhưng không phải ai cũng thành công và trụ vững mãi với thời gian như Chú Hỏa. Tuy chúng ta có thể tin hoặc không tin về thuyết phong thủy nhưng ba trường hợp điển hình vừa kể trên cho thấy rằng thuật phong thủy là một nghệ thuật trong xây dựng, có cơ sở để nghiên cứu và áp dụng trong cuộc sống, chứ không phải là những lời đồn đại suông.

    Người hiểu biết về Sài Gòn có thể hình dung được ba cơ ngơi kể trên, cùng với ba địa điểm để chủ nhân của nó xây dựng nên cơ ngơi đồ sộ của mình đều dính tới sông nước nhưng không phải vùng nào cũng đắc địa. Nếu cho rằng vùng đất mà Wang Tai xây dựng nên tòa nhà ở đầu con kênh, mặt hướng ra ngã ba sông Sài Gòn, sông Bến Nghé, hướng về Biển Đông bao la với thế nghênh phong (đón gió), thì phải nói đất đó và tòa nhà đó là số một, là nơi đắc địa khó chỗ nào bì. Cũng như cơ ngơi của Quách Đàm xưa nằm dọc theo con kênh, chạy xuyên từ Rạch Xóm Củi vô tới gần Rạch Lò Gốm. Với thế thủy lộ bao bọc, bảo vệ cho cuộc đất của Quách Đàm định cư thì còn đất nào tốt hơn. Vậy mà cả hai mảnh đất đắc địa ấy đều phải chịu thua cái đầm lầy "long ẩn" của một Chú Hỏa khôn ngoan!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-con-de-ke-chuyen-3-dai-gia-dia-oc-tuoi-mui-cua-sai-gon-xua-a84127.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan