(ĐSPL) - Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép, "tác giả" có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hỏi: Mới đây trên mạng ầm ĩ về một nam ca sĩ sinh năm 94 có lực lượng người hâm mộ hùng hậu nhờ phong cách và gu âm nhạc bắt kịp xu thế vướng vào nghi án đạo nhạc.
Ca khúc của anh không chỉ về mặt giai điệu, phần phần flow (cách xử lý nhịp đọc, nhấn nhá) lại giống y hệt trong một bài của nhóm nhạc Hàn.
Vẫn chưa có khẳng định nam ca sỹ này có đạo nhạc hay không nhưng cho tôi hỏi: Nếu việc này là thật thì nam ca sỹ này bị pháp luật xử lý như thế nào?
Nam ca sỹ trẻ “đạo nhạc”, pháp luật xử lý như thế nào? |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình, làm hàng giả, hàng nhái, hàng ăn theo... đang là trạng tràn lan ở một số quốc gia hiện nay. Có thể nói, trong tất cả các hành động ăn cắp thì kiểu ăn cắp "chất xám" là đáng lên án nhất. Vì "kẻ cắp" này thường là những người được coi là có hiểu biết, và hệ lụy của nó là bóp chết ước muốn sáng tạo, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp. Nguy hại hơn, nó giết chết nền sáng tạo, nền học thuật và nền nghệ thuật của cả một quốc gia, một dân tộc.
Đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã có câu nói nổi tiếng, đại ý một quốc gia dù có hệ thống pháp luật hoàn thiện đến mấy đi chăng nữa, cũng chỉ có thể điều chỉnh 1\% các mối quan hệ xã hội mà thôi, 99\% các mối quan hệ xã hội còn lại được điều chỉnh bằng luân thường đạo lý của xã hội của quốc gia đó.
Những quy định của pháp luật
Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu mà đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Ca khúc do tác giả sáng tác là một tác phẩm âm nhạc (vì được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn) thuộc đối tượng quyền tác giả được bảo hộ. Tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả…
Bên cạnh đó, tác giả cũng có các quyền tài sản bao gồm làm tác phẩm phái sinh; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác... Quyền sở hữu trí tuệ của tác giả đối với ca khúc do mình sáng tác phát sinh kể từ khi ca khúc ra đời, dù ca khúc này đã hoặc chưa công bố đến công chúng.
Một người nếu lấy phần nhạc của người khác, chỉnh sửa lại lời mà không xin phép tác giả là hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại Khoản 6 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Tác giả có quyền yêu cầu người đó phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc phải xin phép và trả tiền thù lao hợp lý cho tác giả, khởi kiện hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể:
- Về xử lý hành chính
Theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với quyền tác giả và quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi trên.
- Trong trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 170a, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng quy định hành vi sao chép tác phẩm không được phép của chủ thể quyền tác giả mà xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì phạm tội xâm phạm quyền tác giả và bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Trong trường hợp ca khúc chỉ mới tung ra chứ chưa khai thác quy mô thương mại lớn thì chỉ xử phạt hành chính mà chưa được tính đến trách nhiệm hình sự.
Ai tạo ra “con người lương tâm”?
Có thể tạm phân chia những kẻ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ làm hai nhóm: Nhóm vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết và nhóm cố tình vi phạm vì lòng tham lợi nhuận, lòng tham danh tiếng...
Nhóm nào cũng đáng lên án cả, nhưng đối tượng đáng phải nói nhất là nhóm 2, những kẻ được coi hoặc tự coi là người có hiểu biết nhưng vẫn cố tình đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình, đạo giáo dục, làm hàng giả, hàng nhái... Lòng tham đã biến họ thành những kẻ ngang nhiên, trắng trợn "ăn cắp", sống trên xương máu của người khác, mà không hề tự vấn lương tâm, tự thấy xấu hổ.
Người ta sẵn sàng lấy những thứ không thuộc về mình và nhận những thứ không xứng đáng được nhận. Nếu thực sự có hiểu biết và giáo dục thì khi làm gì sai con người sẽ tự vấn lương tâm ghê gớm; tự cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Vì trong con người chúng ta luôn có một “con người lương tâm” mà mình làm gì thì có thể không ai biết cả nhưng “con người lương tâm” đó biết.
Ai tạo ra “con người lương tâm”? Chỉ có giáo dục đúng nghĩa! Nếu có giáo dục đúng nghĩa, chắc chắn một người khi biết mình không có khả năng sáng tạo thì cũng tự hiểu và tự ngăn cản mình, không cho mình lấy những gì không thuộc về mình, không nhận những gì không xứng đáng nhận. Làm ngược lại với điều đó đồng nghĩa với việc không có lương tâm hoặc “con người lương tâm” đã chết!
Ở một số nước, nếu một người nào đó bị phát hiện ăn cắp sáng tạo thì coi như sự nghiệp của họ cũng tiêu tan luôn mà không cần phải có luật pháp nào phán xử. Một xã hội thực sự bảo về quyền sở hữu trí tuệ là một xã hội mà đại đa số người dân và đặc biệt là giới học thuật, giới sáng tác và giới sáng chế hiểu sâu sắc vấn đề này. Chính họ sẽ ném sự phẫn nộ vào những kẻ vô tình hoặc cố ý "ăn cắp" quyền sở hữu trí tuệ.