Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận nâng trần nợ công nhưng khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán.
Cả hai đã đàm phán căng thẳng để đạt được thỏa thuận. Ông McCarthy muốn tập trung vào việc giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang năm 2024 nhưng Tổng thống Biden coi đây là biện pháp "cực đoan".
Trong khi đó, ông Biden có kế hoạch giảm thâm hụt liên bang bằng cách tăng thuế đối với những người giàu và khắc phục các lỗ hổng thuế đối với ngành dầu mỏ, dược phẩm nhưng đảng Cộng hòa không chấp nhận biện pháp này.
Dù vậy, hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh vỡ nợ với một thỏa thuận lưỡng đảng sau cuộc gặp diễn ra vào tối ngày 22/5 (giờ địa phương), đồng thời cho thấy dấu hiệu sẽ tiếp tục đàm phán thường xuyên trong những ngày tới.
"Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng việc vỡ nợ đã không được xem xét tới và cách duy nhất để đạt được tiến triển là thiện chú hướng đến một thỏa thuận lưỡng đảng”, Tổng thổng Biden nói trong một tuyên bố sau cuộc gặp mà ông gọi là “hiệu quả”.
Trao đổi với phóng viên sau hơn 1 giờ đàm phán với Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết các nhà đàm phán “sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm” nhằm cố gắng đạt được sự đồng thuận.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thời hạn đến ngày 1/6 để tăng trần nợ công, nếu không sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ chưa từng có mà các nhà kinh tế cảnh báo có khả năng dẫn đến suy thoái.
Được biết, bất cứ thỏa thuận nào để tăng trần nợ công phải được cả hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua, do đó phụ thuộc vào hai đảng. Đảng Cộng hòa của ông McCarthy kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ của Tổng thống Biden nắm giữ Thượng viện.
Thất bại trong việc nâng trần nợ công sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển thị trường tài chính, đẩy lãi suất lên cao hơn đối với mọi từ, từ thanh toán xe hơi đến thẻ tín dụng.
Đinh Kim (Theo Reuters)