(ĐSPL) – Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp với các quốc gia Đông Nam Á cuối tuần này sẽ tiếp tục gây sức ép yêu cầu Trung Quốc ngừng mọi hoạt động tranh chấp trên Biển Đông.
Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đặc trách khu vực Đông Á, Daniel Russel, nói rằng thông điệp mà ông Kerry đem đến Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) không phải là mới nhưng nó khẳng định quan điểm và lập trường của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
|
Ông Kerry khẳng định lập trường của Mỹ trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông |
Mục đích của ông Kerry trong chuyến thăm lần này nhằm làm giảm căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. “Kim ngạch thương mại qua Biển Đông đạt mức 5.000 tỷ USD và Mỹ sẽ không chấp nhận để tuyến đường giao thương hàng hải này bị gián đoạn bởi một quốc gia nào đó đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Russel cho biết.
Mỹ tin rằng vẫn còn thời gian để các quốc gia trong khu vực tranh chấp đạt được thỏa thuận không chiếm đóng những mảnh đất trống trong tương lai hay ít nhất là tạm thời ngừng các hành động tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông
Trước đó ngày 4/8, Trung Quốc và cũng là quốc gia tham dự cuộc họp ARF đã phủ nhận ý tưởng của Mỹ nói rằng Bắc Kinh cần ngừng mọi hoạt động tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc khẳng định có quyền xây dựng bất cứ thứ gì cần thiết tại các đảo trên Biển Đông do Bắc Kinh có quyền kiểm soát 90\% lãnh thổ giàu tài nguyên này.
Phó cục trưởng Cục biên giới và đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Yi Xianliang khẳng định đề xuất ngừng các hoạt động trên Biển Đông chỉ làm yếu đi nỗ lực của Trung Quốc trong việc đạt được một thỏa thuận chung với các quốc gia ASEAN.
“Người Châu Á cần sử dụng phương tiện và cách thức riêng để giải quyết vấn đề chung mà không liên quan đến Mỹ”, ông Yi Xianliang tuyên bố.
Trong cuộc họp ARF sắp tới, Philippines nhiều khả năng cũng sẽ đề xuất một lệnh chấm dứt các tranh chấp trên biển Đông cũng như việc thực hiện các quy tắc ứng xử cần thiết để giải quyết tranh chấp.
Manila từng kêu gọi một cuộc họp với nhóm các quốc gia như Brunei, Malaysia, Việt Nam để tìm kiếm một tiếng nói chung trong vấn đề giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà những nỗ lực như vậy đã không thể thực hiện kể từ tháng 12/2012.
Mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải dương -981 ra khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhưng Bắc Kinh cũng không ngần ngại tiết lộ kế hoạch đóng thêm ít nhất 2 giàn khoan cỡ lớn nữa để phục vụ mục đích khai thác dầu khí trên Biển Đông kể từ năm 2016.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-tiep-tuc-yeu-cau-trung-quoc-ngung-tranh-chap-bien-dong-a44543.html