Việc Mỹ tịch thu dầu của Iran đã được các nguồn tin phương Tây xác nhận. Được biết, con tàu chở dầu thuộc sở hữu của một công ty Nga. Thủy thủ đoàn đang vận hành con tàu này cũng hoàn toàn là người Nga.
Số dầu mỏ bị tịch thu sau đó đã được chuyển lên tàu Ice Energy treo cờ Liberia, do công ty tàu biển Dynacom của Hy Lạp vận hành.
Hiện chưa rõ liệu hàng hóa bị tạm giữ vì là dầu của Iran hay do lệnh trừng phạt đối với tàu chở dầu liên quan đến Nga. Iran và Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt riêng biệt của Mỹ.
Diễn biến trên xảy ra sau khi Mỹ ngày 25/5 áp đặt trừng phạt đối với một "vụ buôn lậu dầu mỏ và mạng lưới rửa tiền cho Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (tức quân đội nước này)".
Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về vụ thu giữ dầu. Các quan chức Nga cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Hồi tháng 4, cơ quan chức năng Hy Lạp đã thu giữ tàu Pegas treo cờ Iran ở gần bờ biển của đảo Evia, miền Nam Hy Lạp, và bắt giữ 19 thủy thủ người Nga trên tàu.
Việc bắt giữ được thông báo là nhằm thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga. Tuy nhiên, sau đó tàu đã được trả tự do vì nhầm lẫn về các lệnh trừng phạt áp dụng với chủ sở hữu tàu.
Mới đây, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp để khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà cựu Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ. Theo đó các cường quốc thế giới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế đối với Tehran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Trong khi các cuộc đàm phán dường như đã nối lại được các thoả thuận vào tháng 3, thì mọi thứ bất ngờ bị đình trệ. Đặc phái viên của Washington về Iran cho biết cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân đang bị lung lay và Washington đã sẵn sàng thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Mộc Miên (Theo Reuters)