Theo hãng thông tấn Tass, hợp đồng đã được Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 24/5 bao gồm Radar AN/MPQ-64F1 Sentinel, Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC), bệ phóng hộp, máy thu GPS và thiết bị bổ sung cũng như hỗ trợ kỹ thuật của nhà thầu và chính phủ Mỹ.
Nhà thầu chính của thương vụ sẽ là công ty quốc phòng Raytheon Missiles and Defense và Ukraine sẽ nhận từ Mỹ tổng cộng 9 hệ thống NASAMS sau khi quá trình giao hàng hoàn tất.
Trước đó, Kiev đã sở hữu có hai hệ thống NASAMS cung do Washington cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Quân đội Ukraine đã sử dụng hiệu quả hệ thống phòng không tầm trung tiên tiến này trong việc đẩy lùi và đánh chặn các cuộc tấn công từ trên không của Nga.
Liên quan đến hiệu quả thực tế trên chiến trường của hệ thống NASAMS, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng 11 năm ngoái đã khẳng định tỷ lệ thành công trong việc đánh chặn tên lửa Nga của hệ thống này có thể lên tới 100%.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết: “Ukraine có nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay của Nga. Việc có được và triển khai hiệu quả hệ thống này sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ người dân và bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng”.
Cơ quan trên cũng cho biết thương vụ này sẽ hỗ trợ các mục tiêu an ninh quốc gia trong chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách cải thiện an ninh của Ukraine - quốc gia đối tác vốn là động lực cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu.
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, lực lượng phòng không của quân đội Kiev chủ yếu bao gồm các máy bay và khẩu đội thời Liên Xô nhưng đã được tăng cường đáng kể nhờ những gói viện trợ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD của các quốc gia phương Tây và Mỹ.
Phương Uyên (Theo CNN và Straits Times)