Ngày 25/3, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo thỏa thuận này, châu Âu sẽ nhận ít nhất 15 tỷ m3 nguồn cung LNG bổ sung vào cuối năm nay nhưng không nói rõ nguồn cung sẽ đến từ đâu.
Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thông báo tại Brussels rằng Mỹ và EC sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, lực lượng đặc nhiệm sẽ “làm việc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và những mùa đông tiếp theo”. Mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU khoảng 50 tỷ m3 LNG mỗi năm ít nhất tới năm 2030.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Biden cho biết: "Chúng tôi đang cùng nhau giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga".
Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen cho biết EU muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, hướng tới một nhà cung cấp đáng tin cậy. Do đó, cam kết của Mỹ nhằm cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ m3 LNG cho EU trong năm nay là một bước đi lớn giúp khu vực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
EU cũng đã công bố các kế hoạch tham vọng nhằm giảm 70% nhập khẩu năng lượng từ Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga trước cuối thập kỷ này.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá năng lượng tại châu Âu, vốn đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2021 do nguồn dự trữ thấp, tiếp tục tăng lên mức kỷ lục. Tuy nhiên, do các nhà máy LNG của Mỹ đang hoạt động hết công suất nên các nhà phân tích nhận định, hầu hết khí đốt bổ sung tới châu Âu sẽ đến từ nhà xuất khẩu vốn lẽ ra sẽ xuất sang các khu vực khác trên thế giới.
Linh Chi(T/h)