Quyết định sơ tán của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra bất chấp những hoài nghi từ giới chức Iraq về mối lo ngại của các quan chức Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay (15/5) đã ra lệnh rút toàn bộ "các nhân viên không quan trọng" tại đại sứ quán ở thủ đô Baghdad của Iraq và lãnh sự quán ở Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc nước này.
Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad năm 2009. Ảnh: Reuters. |
"Các dịch vụ visa tại hai cơ sở này sẽ bị ngừng lại. Chính phủ Mỹ chỉ có khả năng hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ ở Iraq. Những người bị ảnh hưởng cần rời khỏi Iraq bằng phương tiện dân sự càng sớm càng tốt" - Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.
Lệnh áp dụng chủ yếu cho các quan chức ngoại giao, được gửi tới Iraq từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Đảm bảo sự an toàn đối với các nhân viên chính phủ và công dân Mỹ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi có lòng tin với khả năng bảo vệ chúng tôi của các cơ quan an ninh Iraq. Tuy nhiên, mối đe dọa này rất nghiêm trọng và chúng tôi muốn giảm thiểu nguy cơ gây hại”.
Quyết định được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về "những mối đe dọa rất cụ thể" từ "hoạt động của Iran" ở Iraq.
Ông Pompeo đã có chuyến thăm đột xuất tới Baghdad hôm 7/5 để thông báo cho các nhà lãnh đạo Iraq về mối đe dọa này. Tuy nhiên, các quan chức Iraq tỏ ra nghi ngờ về điều đó.
Nhiều quan chức khác của Mỹ cũng nói rằng các thông tin tình báo tương tự cho thấy nguy cơ tấn công tiềm tàng từ các lực lượng Shia Arab, có liên hệ với Iran, chống lại binh lính Mỹ ở Iraq hoặc Syria.
Theo Reuters, ngày 14/5 quân đội Mỹ đã xác nhận các lực lượng thân Iran ở Iraq có thể tấn công các vị trí đóng quân của quân đội Mỹ ở Iraq và đã thông báo lệnh báo động.
Lệnh sơ tán một phần của đại sứ quán Baghdad hôm 15/5 là một biến động lớn nhất trong hệ thống ngoại giao Mỹ kể từ khi Chiến tranh Iraq kết thúc, dự kiến sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Washington và Tehran.
Vi An (T/h)