+Aa-
    Zalo

    Mỹ siết chặt an ninh cho Ngày Bầu cử, huy đông cả Lực lượng Vệ binh Quốc gia

    (ĐS&PL) - Giới chức Mỹ đã triển khai một loạt các biện pháp đảm bảo an ninh khi Ngày bầu cử (5/11) cận kề.

    Ở chặng cuối của cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, những lo ngại về bạo lực chính trị có thể xảy ra đã thúc đẩy giới chức Mỹ thực hiện các bước nhằm đảm bảo an ninh, theo thông tin trên báo Công An Nhân Dân.

    Dễ thấy nhất là ở các bang chiến địa có khả năng quyết định cuộc bầu cử tổng thống, các bang như Nevada nơi các cuộc biểu tình của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nổ ra sau cuộc bầu cử năm 2020.

    Năm nay, một hàng rào an ninh đã được dựng tại nơi từng xảy ra các cuộc biểu tình đó, trung tâm kiểm phiếu Las Vegas.  Tuần trước, Thống đốc Nevada Joe Lombardo cho hay ông đã huy động một đội ngũ gồm 60 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo phản ứng kịp thời với mọi thách thức.

    Trong khi đó, một hàng rào kim loại đã được dựng lên tại trung tâm kiểm phiếu của quận Maricopa ở trung tâm thành phố Phoenix (bang Arizona). Đây cũng là một điểm nóng vào năm 2020 về các mối đe dọa đối với các quan chức bầu cử.

    Bên ngoài một địa điểm giữ phiếu bầu cử. Ảnh: Reuters

    Bên ngoài một địa điểm giữ phiếu bầu cử. Ảnh: Reuters

    Cảnh sát trưởng của thành phố Phoenix – ông Russ Skinner nhấn mạnh rằng đơn vị của ông sẽ “ở mức báo động cao” về các mối đe dọa và bạo lực, tất cả nhân viên đều sẵn sàng hành động, tạm thời không có ai nghỉ phép.

    Bên cạnh đó, ông lưu ý máy bay không người lái (UAV) sẽ được sử dụng để giám sát hoạt động xung quanh các điểm bỏ phiếu và các tay súng bắn tỉa cùng các lực lượng tăng viện khác sẽ sẵn sàng triển khai nếu có khả năng xảy ra bạo lực.

    Cũng theo Cảnh sát trưởng Russ Skinner, lực lượng thực thi pháp luật sẽ vẫn trong tình trạng báo động cao và “sẽ không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi nào liên quan đến hoạt động tội phạm”. Lực lượng ứng cứu lên tới 200 người làm việc suốt ngày đêm trong suốt chu kỳ bầu cử, giám sát các địa điểm bỏ phiếu và thùng phiếu ngoài trời.

    Tương tự, các biện pháp bảo vệ đã được tăng cường tại bang Michigan. Những người đến hội trường đại hội ở trung tâm thành phố Detroit hiện sẽ phải đi qua máy dò kim loại và có khoảng 15 cảnh sát tuần tra mọi lúc.

    Ông Daniel Baxter - quan chức phụ trách mảng bỏ phiếu vắng mặt và các dự án đặc biệt của Detroit, cho biết cảnh sát cũng được triển khai trên mái nhà và bao quanh tòa nhà. Ông Baxter tiết lộ thêm, 8 ngày xử lý sơ bộ các lá phiếu gửi qua thư đã trôi qua trong yên bình.

    Trong khi đó, Thống đốc Washington Jay Inslee chia sẻ có một cuộc tấn công đốt phá thùng bỏ phiếu tại bang này gần đây. Cảnh sát trưởng khu vực xảy ra vụ cháy thùng bỏ phiếu cũng tăng cường tuần tra để ứng phó, theo thông tin trên VTC News.

    Cuối tuần qua, Thống đốc Jay Inslee cũng thông báo về việc huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia của tiểu bang để sẵn sàng “ứng phó với bất kỳ tình trạng bất ổn nào” liên quan đến cuộc bầu cử. Theo lệnh của thống đốc, các thành viên của lực lượng Vệ binh được huy động cho đến hết ngày 7/11.

    Ở các bang khác, hàng trăm văn phòng bầu cử được gia cố bằng cách gắn thêm kính chống đạn, cửa thép và thiết bị giám sát. Một số tăng cường thiết bị an ninh hoặc khóa mạng xã hội đề phòng trường hợp có người tìm hiểu về cuộc sống của họ. 

    Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, một số bang đã phát cho nhân viên các điểm bỏ phiếu dây đeo cổ có gắn nút báo động, quần áo chống hóa chất độc hại và cả thuốc giải độc trong trường hợp có gói bột đáng ngờ được gửi qua đường bưu điện, như đã xảy ra trong những năm gần đây.

    Nhiều văn phòng bầu cử Mỹ cũng đào tạo nhân viên cách giảm căng thẳng, thậm chí diễn tập trong hoàn cảnh có tay súng tấn công hoặc các vụ gây rối khác. Ngoài ra, họ thiết lập các quy trình phân loại mối đe dọa để tìm kiếm sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi cần thiết.

    Tuy nhiên, an ninh quá chặt chẽ cũng có thể gây nên tâm lý e ngại đi bầu cử nên các quan chức Mỹ phải cố gắng không làm gia tăng sự lo lắng trong cộng đồng. 

    "Chúng tôi chỉ lập kế hoạch và chuẩn bị, không có nghĩa là bạo lực sẽ thực sự xảy ra", ông Shannon Hiller - chuyên gia nghiên cứu và theo dõi bạo lực chính trị tại Đại học Princeton, nhấn mạnh. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/my-siet-chat-an-ninh-cho-ngay-bau-cu-huy-ong-ca-luc-luong-ve-binh-quoc-gia-a478633.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan