+Aa-
    Zalo

    Mỹ ra mắt tàu sân bay khủng “ăn đứt” công nghệ của Nga, Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tàu sân bay CVN-78 USS Gerald R.Ford "hạng nặng" của Mỹ trị giá 12,9 tỷ USD đã thử nghiệm thành công phóng và hạ cánh máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet.

    Tàu sân bay CVN-78 USS Gerald R.Ford "hạng nặng" của Mỹ trị giá 12,9 tỷ USD đã thử nghiệm thành công phóng và hạ cánh máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet.

    Tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ CVN-78 USS Gerald R. Ford (gọi tắt là Ford) ngày 28/7 đã lần đầu tiên phóng và hạ cánh cho máy bay tiêm kích hạm đa nhiệm F/A-18F Super Hornet ngoài bờ biển Virginia. Đây là thử nghiệm đầu tiên đối với Ford của phi đoàn thử nghiệm Không quân Hải quân Mỹ VX-23 bằng máy phóng điện từ thế hệ mới nhất. Lần phóng đầu tiên diễn ra lúc 16h37 hôm 28/7.

    Trung uý Jamie Struck từ Tallmedge, bang Ohio đã điều khiển phi đội F/A-18F Superhornet từ Phi đội Kiểm tra và Đánh giá Không quân (VX) 23 đặt tại Patuxent River, Maryland.

    Chiếc Superhornet đã được phóng từ một chiếc máy phóng bằng hệ thống phóng điện từ (EMALS).

    Tàu sân bay siêu khủng của Mỹ trị giá 12,9 tỷ USD. Ảnh: Getty

    Adm Phil Davidson, Tư lệnh chỉ huy các Hạm đội Mỹ cho biết: "Hôm nay Ford đã làm nên lịch sử qua việc phóng và hạ cánh máy bay sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ (EMAILS) và hệ thống bánh răng tiên tiến (AAG). Đội ngũ thủy thủ và kỹ sư trên tàu đã làm việc cật lực để giúp con tàu sẵn sàng cho bước đột phá này".

    Trong khi đó Rick McCormack, sĩ quan chỉ huy của Ford cho biết: "AAG và EMALS đã được kiểm tra thành công trên bờ tại Lakehurst, New Jersey, nhưng đây là lần đầu tiên phóng và hạ cánh thành công một chiếc máy bay cánh cố định”.

    "Đội của tôi đã phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp, Bộ Chỉ huy Hệ thống Hải quân (NAVAIR), và cộng đồng kiểm tra chuyến bay để biến sự kiện này thành dấu mốc lịch sử của hàng không lực lượng Hải quân”.

    Hệ thống AAG được kiểm soát bởi phần mềm là một hệ thống tích hợp, bao gồm các bộ hấp thụ năng lượng, thiết bị điều chỉnh điện năng và bộ điều khiển số, với cấu tạo được thiết kế thông minh giúp kiểm tra và chẩn đoán tiện dụng, dẫn đến giảm yêu cầu về bảo trì và nhân lực. AAG được thiết kế để cung cấp độ tin cậy và an toàn cao hơn, cũng như để cho phép tiếp cận một phạm vi lớn hơn và giảm tải trọng va chạm đến máy bay.

    Tàu sân bay mới của Mỹ sở hữu công nghệ mà Nga và Trung Quốc chưa thể theo kịp. Ảnh: Getty

    Nhiệm vụ và chức năng của EMALS tương tự như bệ phóng truyền thống nhưng sử dụng công nghệ hoàn toàn khác. EMALS cung cấp công suất năng lượng phóng cao cần thiết, cải tiến trong bảo trì hệ thống, tăng độ tin cậy và hiệu quả, kiểm soát tốc độ đầu cuối chính xác hơn. EMALS được thiết kế để mở rộng khả năng hoạt động của các tàu sân bay trong tương lai của Hải quân Mỹ bao gồm tất cả các tàu sân bay hiện đại và phóng đi máy bay không người lái hạng nhẹ hoặc thậm chí là máy bay chiến đấu hạng nặng.

    Stephen Tedford, quản lý chương trình nói: "Tôi không thể không tự hào về những nhà nghiên cứu trong suốt 2 thập kỷ qua, đã làm việc để đưa những công nghệ mới này vào đội tàu. Sự kiên trì và cống hiến của họ đối với nhiệm vụ này đã biến ước mơ thành sự thật".

    Tàu sân bay CVN-78 USS Gerald R. Ford khi hoàn thiện có giá thành lên đến 12,9 tỷ USD. Hôm 22/7 vừa qua, khi ký quyết định chính thức đưa Ford vào biên chế của Hải quân Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã gọi nó là "thông điệp 100.000 tấn gửi tới toàn thế giới".

    Thiết kế tổng thể của tàu trông khá giống các tàu sân bay lớp Nimitz nhưng Ford có kích thước lớn hơn nhiều. Chiều dài của tàu khoảng 333m, cao 77m, sàn đáp rộng 7m, lượng giãn nước trên 110.000 tấn, lớn hơn gần 2 vạn tấn so với các tàu sân bay lớp Nimitz. Để sơn hết toàn bộ thân tàu, nhà sản xuất đã sử dụng hết khoảng 757.000 lít sơn màu xám chì.

    Sàn đáp của Ford cao hơn nhiều so với các tàu sân bay lớp Nimitz, không gian bên trong cũng rộng hơn, có thể đáp ứng được nhiều lượt bay cùng một thời điểm hơn và có nhiều không gian bảo dưỡng các chiến đấu cơ hơn.

    USS Gerald R. Ford có thể mang theo trên 90 máy bay các loại, bao gồm tất cả máy máy cánh cố định và trực thăng. Tàu sân bay còn được áp dụng một số công nghệ hiện đại nhất hiện nay như radar mảng pha điện tử thế hệ mới nhất, hệ thống phòng thủ laser trên hạm, hệ thống thông tin dạng lưới đa cực.

    Đặc biệt, Ford được mang theo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C và máy bay trinh sát không người lái tàng hình (UCAV) X-47B.

    Theo Washington Post, trước khi hệ thống phóng điện từ EMALS được đưa vào thử nghiệm, các kỹ sư và chuyên gia hàng không mẫu hạm thế giới đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi trong kỹ thuật và tính kinh tế của một thiết bị phóng quá phức tạp.

    Tuy nhiên, nếu không xét đến hiệu quả của tàu sân bay trong tác chiến hiện đại, chỉ tính đến yếu tố kỹ thuật thì với công nghệ siêu hạng, Mỹ đã chứng tỏ mình là nước dẫn đầu trong công nghệ đỉnh cao về hàng không mẫu hạm mà Nga và Trung Quốc chưa thể theo kịp.

    (Theo Navy Mil, Washington Post)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-ra-mat-tau-san-bay-khung-an-dut-cong-nghe-cua-nga-trung-quoc-a197874.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan