Hơn 30 tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp đã cùng ký thư gửi tới các quan chức cấp cao phụ trách kinh tế và thương mại trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, kêu gọi phối hợp với Trung Quốc nhằm dỡ bỏ hoàn toàn các loại thuế trừng phạt lẫn nhau giữa hai nước, theo South China Morning Post.
Phản ứng trước bức thư nói trên, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chỉ lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang phát triển nhanh những tháng gần đây, chứ không trả lời câu hỏi liệu Washington có sẵn sàng dỡ bỏ thuế chống Bắc Kinh hay không.
Trong bức thư gửi tới chính quyền Mỹ, các đại diện của ngành công nghiệp cho rằng Trung Quốc đã đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quan trọng có lợi cho các doanh nghiệp, nông dân, chủ trang trại và nông dân Mỹ.
Tuy nhiên theo dữ liệu thống kê, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu mua sắm nhằm đổi lấy cắt giảm thuế từ phía Mỹ mà nước này từng cam kết khi ký vào thỏa thuận thương mại với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tháng 1/2020.
Khi vận động tranh cử, ông Biden cam kết sẽ chấm dứt chính sách thương mại của thời Donald Trump và đưa nước Mỹ quay trở lại tiến trình đàm phán đa phương với các đối tác thương mại.
Song sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên đòn thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong bối cảnh Nhà Trắng vẫn đang trong giai đoạn rà soát chính sách thương mại, nhất là với Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm 6/8, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói Tổng thống Biden không ngần ngại sử dụng thuế quan là công cụ khi cần thiết, tuy nhiên cho biết Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh.
Đại diện thương mại của Tổng thống Biden-bà Katherine Tai gần đây nhận định: “Trung Quốc vùa là đối thủ, vừa là đối tác thương mại đồng thời là một tay chơi ngoại cỡ mà để hợp tác chúng ta cần xử lý được một số thách thức toàn cầu nhất định”.
Trước đó, Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được “Thỏa thuận Giai đoạn một” vào đầu năm 2020 giảm một số mức thuế nhưng chúng vẫn có hiệu lực. Cựu Tổng thống Trump sử dụng thuế như một chiến thuật đàm phán, nhằm gây sức ép lên kinh tế Trung Quốc và tạo áp lực để Bắc Kinh chấp thuận thỏa thuận thương mại mới xử lý các tập quán thương mại không công bằng.
Mộc Miên (T/h)