Báo điện tử VTC News dẫn nguồn từ New York Times đưa tin, kế hoạch này bao gồm lệnh trừng phạt, cáo trạng và tịch thu tên miền những website được quan chức Mỹ cho là điện Kremlin sử dụng để phát tán thông tin tuyên truyền và sai lệch về Ukraine.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nêu chi tiết những hành động do Bộ Tư pháp thực hiện, bao gồm việc truy tố hai nhân viên người Nga của đài RT. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông Konstantin Kalashnikov và bà Elena Afanasyeva đã tài trợ, điều hành một công ty sản xuất tại bang Tennessee của Mỹ. Công ty này đã xuất bản các video tiếng Anh trên các nền tảng mạng xã hội nhằm làm gia tăng chia rẽ trong nước Mỹ.
“Người dân Mỹ có quyền được biết khi thế lực nước ngoài tham gia vào hoạt động chính trị hoặc tìm cách tác động đến diễn ngôn công cộng”, ông Garland cho biết. Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với ANO Dialog - tổ chức phi lợi nhuận của Nga giúp điều hành mạng lưới Doppelganger và tổng biên tập của đài RT, Margarita Simonyan cùng nhân viên của bà.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra phần thưởng trị giá 10 triệu USD đối với thông tin liên quan đến can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ. Bộ này thông tin thêm họ đang tìm kiếm thông tin về nhóm Russian Angry Hackers Did It, hay RaHDit.
Theo báo Thanh niên, thông tin trên được xem là hành động quy mô lớn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm kiểm soát điều mà Washington cho rằng là những nỗ lực của Nga để can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Hãng thông tấn Tass cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ còn hạn chế Tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya của Nga, cùng các công ty con là những hãng truyền thông có tiếng như RIA Novosti, RT, TV-Novosti, Ruptly và Sputnik - các đơn vị bị Mỹ liệt vào danh sách "cơ quan đại diện nước ngoài".
Theo bài viết trên RT, các đảng viên Dân chủ như ông Biden đã cáo buộc Nga can thiệp vào hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và 2020. Trong chiến dịch tranh cử 2 đợt nêu trên, các cơ quan tình báo Mỹ liên tục tuyên bố rằng Moscow đang triển khai tin tặc và sử dụng “chiến tranh thông tin” để xoay chuyển cuộc bỏ phiếu ủng hộ ông Donald Trump.
“Những cáo buộc này, cùng với tuyên bố rằng ông Trump đã thông đồng với Moscow để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đã tạo cơ sở cho cuộc điều tra kéo dài 2 năm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, để rồi cuối cùng kết luận là không có căn cứ”, bài viết có đoạn.
Điện Kremlin đến nay chưa đưa ra bất kỳ bình luận về tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ nhưng trước đó nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.