Ngày 16/6 (giờ địa phương), Washington đã lên tiếng kêu gọi Nga đảm bảo "đối xử nhân đạo" với những tình nguyện viên Mỹ bị bắt khi tham chiến tại Ukraine. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin công dân thứ 3 của nước này đã mất tích ở Ukraine. Ngoài ra, 2 tình nguyện viên Mỹ khác được cho là đã bị bắt khi đến Ukraine.
Cụ thể, trao đổi với phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thông tin: "Người Nga có một số nghĩa vụ nhất định và các thành viên của lực lượng vũ trang Ukraine - bao gồm cả những người tình nguyện có thể là công dân nước thứ ba được kết nạp vào lực lượng vũ trang - phải được đối xử công bằng theo Công ước Geneva".
Ông nói thêm, những người bị bắt phải được "đảm bảo sự đối xử và bảo vệ phù hợp, bao gồm đối xử nhân đạo, đảm bảo các quy trình cơ bản và xét xử công bằng".
Gia đình và các thành viên Quốc hội ngày 15/6 cho biết rằng 2 cựu quân nhân Alexander Drueke và Andy Huynh đã mất liên lạc với người thân vào tuần trước khi chiến đấu với lực lượng Ukraine gần biên giới Nga.
Theo ông Ned Price, Mỹ hiện chưa thể xác minh tình hình của 2 cựu binh này và báo cáo thêm rằng một công dân thứ 3 Mỹ thứ 3 được cho là đã mất tích tại Ukraine "trong những tuần gần đây".
Công ước Geneva, có nguồn gốc từ thế kỷ 19 và được sửa đổi sau Thế chiến thứ hai, đã xác định các quyền của tù nhân chiến tranh bao gồm cấm tra tấn và đảm bảo điều trị y tế.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W Bush, Mỹ đã gây tranh cãi khi dán nhãn các chiến binh bị giam giữ trong "cuộc chiến chống khủng bố" là chiến binh của kẻ thù chứ không phải tù nhân chiến tranh và không tuân theo các biện pháp bảo vệ của Công ước Geneva.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong khi gửi hàng tỷ USD vũ khí và viện trợ kinh tế cho Ukraine, trước dó đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ không trực tiếp chiến đấu với Nga và đã không khuyến khích công dân nướcn ày tới khu vực chiến sự.
Minh Hạnh (Theo AFP)