Theo Reuters, Mỹ hối thúc Nga và Trung Quốc cần có những thông điệp cảnh báo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng nối lại thủ nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17.
"Nga và Trung Quốc nên gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên nhằm kiềm chế các hành động khiêu khích thêm", phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói với các phóng viên trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của quốc gia Đông Bắc Á, ngày 25/3 (giờ địa phương).
AFP cho biết, tại cuộc họp trên, Mỹ tiếp tục kêu gọi các thành viên LHQ trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
"Mỹ kêu gọi tất cả quốc gia thành viên thực thi toàn diện các nghị quyết đã ban hành của Hội đồng Bảo an", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu trong cuộc họp.
"Vì những hành động khiêu khích ngày càng nguy hiểm của Triều Tiên, Mỹ sẽ trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an để cập nhật và tăng cường biện pháp trừng phạt đã được thông qua hồi tháng 12/2017", bà Linda cho hay.
Cùng ngày, bộ Ngoại giao Nga đưa ra thông cáo nhấn mạnh Moscow và Bắc Kinh đã nhất trí phối hợp chặt chẽ về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử ICBM Hwasong-17.
Theo hãng thông tấn RIA cho biết, thông cáo cho biết trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và ông Lưu Hiểu Minh - đặc phái viên Trung Quốc về Bán đảo Triều Tiên, “hai bên đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất tại tiểu vùng”.
Hai bên cũng nhấn mạnh cần tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao công bằng cho các vấn đề của khu vực Đông Bắc Á” và “nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc”.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa Hwasong-17, một ICBM mới, cỡ lớn hôm 24/3, dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim cho tiến hành vụ thử nghiệm này nhằm chứng minh sức mạnh của lực lượng hạt nhân Triều Tiên cũng như khả năng đẩy lui bất kỳ động thái quân sự nào từ Mỹ.
Đây là vụ thử ICBM đầy đủ đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ năm 2017. Vụ việc theo bộ Ngoại giao Mỹ là "một sự leo thang rõ ràng".
Cũng trong ngày 25/3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa, đã có cuộc điện đàm liên quan đến vụ việc.
Trong cuộc điện đàm, hai bên lên án mạnh mẽ vụ phóng ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên không những đã "vi phạm rõ ràng" nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, mà còn "phá vỡ cam kết" với cộng đồng quốc tế về việc dừng các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Hai ngoại trưởng phê phán Vụ phóng tên lửa lần này của Bình Nhưỡng là mối đe dọa nghiệm trọng đến tình hình bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế nói chung, đồng thời kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay lập tức các hành động làm gia tăng căng thẳng.
Tiếp đó, quan chức hai nước nhất trí trao đổi và hợp tác chặt chẽ về biện pháp ứng phó trong tương lai bao gồm các biện pháp bổ sung của Hội đồng bảo an LHQ, đồng thời duy trì mở rộng cánh cửa ngoại giao, tiếp tục nỗ lực kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại.
Ngoại trưởng 2 nước cũng đã lần lượt điện đàm song phương với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, đánh giá và thảo luận về phương án ứng phó đối với vụ phóng ICBM của Triều Tiên.
Cùng ngày, ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về vụ phóng thử ICBM mà Triều Tiên mới thực hiện, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại cam kết tạm dừng phóng thử tên lửa.
G7 kêu gọi Triều Tiên tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ pháp lý theo các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ, đồng thời chấp nhận các đề nghị đối thoại từ tất cả các bên - bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các Ngoại trưởng G7 và Đại diện cấp cao EU cũng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược các chương trình liên quan đến tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hoa Vũ (T/h)