Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, 8.500 binh sĩ Mỹ đã được đặt vào tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng được triển khai tới Đông Âu khi Nga triển khai quân đội gần biên giới với Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành lệnh chuẩn bị triển khai theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden. Động thái này được thực hiện để đối phó với nguy cơ Nga tấn công Ukraine.
Ông Kirby thông tin "phần lớn" quân đội Mỹ được đặt trong tình trạng cảnh giác nhằm mục đích tăng cường lực lượng phản ứng nhanh của NATO, nói thêm rằng họ cũng sẽ "sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào khác". Ông Kirby nhấn mạnh, tới chiều 24/1 (giờ địa phương), Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc triển khai binh sĩ.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc chia sẻ: "Mỹ đã thực hiện các bước giúp nâng cao sự cảnh giác của binh sĩ trong và ngoài nước, vì vậy họ đã sẵn sàng ứng phó với một loạt các tình huống bất ngờ, bao gồm hỗ trợ lực lượng phản ứng NATO nếu lực lượng này được kích hoạt".
Ông lưu ý, lực lượng phản ứng của NATO (NRF) sẽ bao gồm khoảng 40.000 binh lính đa quốc gia.
Trước đó, cũng trong ngày 24/1, CNN trích nguồn tin từ nhiều quan chức Mỹ và quốc phòng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang trong giai đoạn cuối xác định các đơn vị quân đội cụ thể để gửi đến Đông Âu.
Tổng thống Biden đã thảo luận về các sự lựa chọn để tăng cường quân đội Mỹ ở Baltics và Đông Âu với các quan chức quân sự hàng đầu trong cuộc họp giao ban tại Trại David.
Mục tiêu của việc gửi quân tiếp viện đến Đông Âu là để trấn an các đồng minh. Điều này không có nghĩa là binh lính của Mỹ sẽ được triển khai tới Ukraine hoặc tham gia vào bất kỳ vai trò chiến đấu nào. Ông Kirby lưu ý Mỹ không có cố vấn quân sự ở Ukraine.
Ông Kirby cho biết Mỹ đã "nói rõ với các đồng minh rằng chúng tôi săn sàng tăng cường khả năng của họ nếu họ cần". Phát ngôn viên Lầu Năm Góc thông tin: "Trong trường hợp NATO kích hoạt NRF hoặc môi trường an ninh xấu đi, Mỹ sẽ nhanh chóng triển khai các đội tác chiến bổ sung của lữ đoàn, hậu cần, y tế, hàng không, tình báo, giám sát và trinh sát, vận chuyển và các khả năng bổ sung vào châu Âu".
Minh Hạnh (Theo CNN)