+Aa-
    Zalo

    Mỹ đã xử lý vụ máy bay B52 chở bom nguyên tử rơi xuống biển Bắc thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 21/1/1968, một máy bay ném bom chiến đấu B-52G của Mỹ, mang theo bốn quả bom hạt nhân, rơi xuống vịnh Wolstenholme băng giá ở cực tây bắc của Greenland.

    50 năm trước, vào ngày 21/1/1968, Chiến tranh Lạnh đột ngột lạnh hơn. Một máy bay ném bom chiến đấu B-52G của Mỹ, mang theo bốn quả bom hạt nhân, rơi xuống vịnh Wolstenholme băng giá ở cực tây bắc của Greenland, một trong những nơi lạnh nhất trên Trái đất.

    Máy bay ném bom B-52.

    Chiếc “pháo đài bay” B-52 chở “vũ khí nóng” - được gọi bằng mật danh HOBO 28 - đã gặp nạn do lỗi của con người. Một thành viên phi hành đoàn đã nhồi một số đệm ngồi trước lỗ thông hơi, và sau đó chúng bắt lửa. Khói nhanh chóng dày đặc đến mức phi hành đoàn quyết định phải rời máy bay. Sáu trong số bảy thành viên đoàn bay nhảy dù ra ngoài an toàn trước khi máy bay rơi xuống vịnh biển đóng băng, cách Căn cứ Không quân Thule - căn cứ quân sự ở phía bắc cực nhất của Mỹ - chỉ 10km.

    Đảo Greenland, nằm giữa Washington D.C và Moscow, có tầm quan trọng chiến lược đối với quân đội Mỹ. Vào năm 1946, Mỹ đã trả giá không thành công để mua nó từ Đan Mạch. Tuy nhiên, Copenhaghen, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã cho phép quân đội Mỹ vận hành một căn cứ không quân tại Thule.

    Vụ tai nạn đã làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ - Đan Mạch do chính sách “vùng phi hạt nhân” ra đời năm 1957 của Đan Mạch cấm sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên các vùng lãnh thổ của nước này.

    Tai nạn tại Thule đã “tố cáo” rằng Mỹ vẫn điều máy bay chở bom hạt nhân bay qua Greenland, và một trong những chuyến bay bất hợp pháp này đã dẫn đến sự cố ô nhiễm phóng xạ tại đây.


    Tác động từ vụ tai nạn và đám cháy đã phá vỡ vũ khí hạt nhân và làm rò rỉ phóng xạ bên trong, nhưng may thay không có vụ nổ hạt nhân nào.

    Băng nhiễm bẩn tại Thule sau vụ tai nạn được đóng vào thùng kín trước khi đưa lên tàu để chở về Mỹ.

    Vũ khí hạt nhân của HOBO 28 là bom hydro. Bom hydro (hay bom H) là loại vũ khí hạt nhân thế hệ thứ hai mạnh hơn nhiều so với hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki, vốn là bom “phân hạch” (bom A)- những quả bom lấy năng lượng từ sự phân chia (phân hạch) của các nguyên tử rất lớn (như uranium và plutoni) thành các nguyên tử nhỏ hơn. Ngược lại, bom của HOBO 28 là bom hợp hạch - lấy năng lượng từ phản ứng tổng hợp của những hạt nhân rất nhỏ trong các nguyên tử hydro. Mỗi quả trong số bốn quả bom hydro F1 Mark 28 F1 mà HOBO 28 chở theo mạnh hơn gần 100 lần so với quả bom rơi xuống Hiroshima (1.400 kiloton so với 15 kiloton).

    Bom H giải phóng năng lượng nhiều hơn các quả bom A đến mức khó hiểu. Ví dụ, nếu một quả bom phân hạch từng tàn phá Hiroshima được thả xuống Điện Capitol ở Washington, thì Nhà Trắng, nằm cách khoảng 2,4km, sẽ phải chịu ít thiệt hại trực tiếp. Trong khi đó, nếu chỉ một trong những quả bom hydro Mark 28 được thả xuống Điện Capitol, nó sẽ phá hủy Nhà Trắng cùng mọi thứ khác ở thủ đô Washington.

    Sau vụ tai nạn, Mỹ và Đan Mạch có những ý tưởng rất khác nhau về cách xử lý xác máy bay và phóng xạ. Mỹ muốn để mặc xác chiếc B-52 chìm vào vịnh Wolstenholme, nhưng Đan Mạch không cho phép điều đó. Copenhagen muốn toàn bộ các mảnh xác máy bay được tập trung lại ngay lập tức và được di chuyển, cùng với tất cả lượng băng ô nhiễm phóng xạ, đến Mỹ. Vì số phận của Căn cứ không quân Thule, Mỹ buộc phải đồng ý với các yêu cầu của Đan Mạch.

    Chiến dịch dọn dẹp sau tai nạn có tên "Crested Ice" được xúc tiến khẩn trương để tránh thời điểm sang xuân, vịnh Wolstenholme đóng băng sẽ bắt đầu tan chảy và các mảnh vụn máy bay chìm sâu xuống đáy biển.

    Những thùng lớn hình trụ chứa băng nhiễm bẩn được đưa lên tàu.

    Nhóm các phi công người Mỹ đã phải rà quét vịnh băng tìm kiếm tất cả các mảnh vụn, từ những mảnh lớn như cánh máy bay đến những mẩu nhỏ như pin đèn pin.

    Những mảng băng ô nhiễm phóng xạ được xác định bởi máy Geiger và các loại thiết bị đo bức xạ khác. Tất cả các mảnh vụn máy bay và băng ô nhiễm đều được đóng vào những thùng kín để chuyển lên tàu. Tuy nhiên một xy lanh chứa urani và lithium deuteride - các thành phần nhiên liệu hạt nhân của một trong những quả bom, thì biến mất.

    Việc dọn dẹp thành công đã giúp chữa lành mối quan hệ giữa Mỹ và Đan Mạch. Nhưng gần 30 năm sau, sự kiện Thule đã sinh ra một cuộc tranh luận chính trị mới ở Đan Mạch. Năm 1995, một tài liệu nội bộ của chính phủ tiết lộ rằng chính Thủ tướng Đan Mạch H.C. Hansen đã cho phép Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Thule.

    Gần đây hơn, năm 2003, các nhà khoa học môi trường từ Đan Mạch đã xem xét lại vịnh Wolstenholme để xem có bất kỳ phóng xạ nào còn sót lại từ vụ tai nạn hay không. Họ phát hiện ra có, nhưng ở mức độ rất thấp.

    Căn cứ không quân Thule vẫn tồn tại sau tất cả các cuộc tranh cãi trong nhiều thập niên nhưng dần dần bị lãng quên khi vũ khí hạt nhân từ chỗ thả từ máy bay ném bom sang phóng từ các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tàu ngầm. Tuy nhiên, khi vai trò ném bom của căn cứ Thule suy yếu, tầm quan trọng của nó đối với việc phát hiện ra các ICBM lại tăng lên, vì quỹ đạo xuyên Bắc cực là một tuyến đường trực tiếp để các tên lửa hạt nhân của Nga nhắm vào Mỹ.

    Vào năm 2017, căn cứ Thule đã nâng cấp các hệ thống ra-đa, trước mối lo ngại đe dọa hạt nhân từ Nga cũng như việc quân đội Nga tiến vào Bắc Cực. Thule Air Base do đó vẫn không thể thiếu đối với quốc phòng Mỹ, Washington vẫn rất quan tâm đến Greenland và cam kết duy trì mối quan hệ tốt với Đan Mạch.

    Theo TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-da-xu-ly-vu-may-bay-b52-cho-bom-nguyen-tu-roi-xuong-bien-bac-the-nao-a250925.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan