Theo hồ sơ của Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cục Tình báo liên bang (CIA), lực lượng chức năng Mỹ đã "giăng lưới" rộng và điều tra nghi vấn Lee Harvey Oswald, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, là người ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 22/11/1963. Các tài liệu cho thấy các nhà điều tra đã theo đuổi vô số đầu mối, từ tình báo Liên Xô đến các nhóm Cộng sản châu Phi và băng đảng mafia Italy.
Các tài liệu mới được công bố hôm 15/12 bao gồm các bức điện của CIA và các bản ghi nhớ thảo luận về các chuyến thăm của Oswald được tiết lộ trước đây nhưng chưa bao giờ được giải thích đầy đủ tới các đại sứ quán của Liên Xô và Cuba ở Mexico City cũng như các cuộc thảo luận, trong những ngày sau vụ ám sát.
Ngoài cuộc điều tra vụ ám sat cố Tổng thống Kennedy, một số tài liệu sẽ thu hút sự quan tâm của các học giả hoặc bất kỳ ai quan tâm đến những chi tiết vụn vặt của cuộc phản gián những năm 1960.
Được biết, khoảng 1.491 tập hồ sơ, nhiều trong số đó là các báo cáo dài, đã được đăng trên trang Hồ sơ ám sát JFK (viết tắt từ tên cố Tổng thống John F. Kennedy) của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Bên cạnh tập hồ sơ trên, hàng chục nghìn danh sách liên quan đến cái chết của ông Kennedy và cuộc điều tra sau đó cũng đã được lưu lại.
Vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy từ lâu đã làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu không chính thức rằng ông Oswald đã hành động một mình. Đồng thời cũng có nhiều "thuyết âm mưu" xoay quanh động cơ và người đứng sau ông Oswald.
Cách đây 4 năm, cựu Tổng thống Donald Trump từng bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi một đạo luật năm 1992 về việc tiết lộ thông tin do tình báo Mỹ nắm giữ về chủ đề này. Trong đó, luật yêu cầu tất cả các hồ sơ của chính phủ về vụ ám sát phải được tiết lộ "để công chúng được thông tin đầy đủ."
Theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, khi ấy, ông Trump đã cho giải mật hơn 53.000 tài liệu trong 7 đợt, chiếm 88% toàn bộ kho lưu trữ vụ ám sát có sẵn cho công chúng. Tuy nhiên, ông Trump đã giữ lại hàng nghìn tập hồ sơ khác vì lý do an ninh quốc gia.
Năm 2021, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã cam kết tôn trọng luật pháp nhưng ông cũng vấp phải làn sóng phản đối vào tháng 10 vừa qua khi Nhà Trắng hoãn công bố thêm các tài liệu liên quan vụ ám sát. Ông Biden cho biết vào thời điểm đó, việc trì hoãn là cần thiết "để chống lại những tổn hại có thể xảy ra đối với quân đội, hoạt động tình báo, thực thi pháp luật hoặc tiến hành quan hệ đối ngoại". Nhà Trắng hiện đang chịu áp lực phải hoàn thành việc công bố các tài liệu còn lại trước khi kết thúc năm 2022.
Minh Hạnh (Theo The Guardian, AFP)