Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 - có khả năng tấn công mục tiêu cách 80 km, đạn dược, radar, tên lửa chống tăng Javelin và một số loại vũ khí chống tăng khác.
Ông Biden khẳng định: “Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác Ukraine và tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí trang thiết bị để tự vệ”.
Lầu Năm Góc cũng cho biết, trước mắt, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS và cần 3 tuần để huấn luyện vận hành cho quân nhân Ukraine.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Phát biểu trong một sự kiện bên cạnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết phía Ukraine đã khẳng định “sẽ không sử dụng các vũ khí này tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga”.
Tuy nhiên, Điện Kremlin nói Moscow không tin tưởng việc Kyiv sẽ không tấn công vào lãnh thổ Nga nếu có trong tay hệ thống tên lửa phóng nhiều lần do Mỹ sản xuất.
Moscow cảnh báo việc chuyển giao vũ khí mới của Mỹ cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa tiên tiến, làm tăng nguy cơ kéo Mỹ vào xung đột trực tiếp với Nga. Điện Kremlin cũng nói rằng Washington đang “đổ thêm dầu vào lửa” khi chuyển thêm vũ khí cho Kyiv.
Hiện Mỹ và đồng minh đang tích cực viện trợ mạnh mẽ quân sự, cung cấp khí tài để Ukraine đối phó với Nga. Mới đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden chính thức thông qua khoản trợ cấp bổ sung trị giá 40 tỷ USD cho Kiev. Mỹ cũng đóng vai trò đầu tàu, đứng ra vận động trợ giúp quân sự cho Kiev, với sự tham gia của 40 nước.
Mộc Miên(Theo Reuters)