+Aa-
    Zalo

    Mỹ cảnh báo thuốc nhỏ mắt liên quan tới các ca suy giảm thị lực, tử vong

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một loại vi khuẩn hiếm đã được tìm thấy trong thuốc nhỏ mắt Artificial Tears Lubricant của EzriCare có liên quan tới các trường hợp suy giảm thị lực và tử vong tại Mỹ.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) trong tuần này đã báo cáo thêm 2 trường hợp tử vong có liên quan tới thuốc nhỏ mắt Artificial Tears Lubricant (còn gọi là nước mắt nhân tạo Lubricant) chứa vi khuẩn hiếm. Như vậy, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 3 trường hợp tử vong do loại thuốc nhỏ mắt này.

    Theo đó, Global Pharma Healthcare đã thu hồi lô thuốc nhỏ mắt Artificial Tears Lubricant được phân phối bởi EzriCare và Delsam Pharma và cơ quan này đã cảnh báo mọi người không nên dùng loại thuốc này.

    Kể từ ngày 21/3, CDC đã xác định được 68 người, tại 1 bang, bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc hiếm gặp chưa từng được báo cáo ở Mỹ. CDC cho biết hầu hết các bệnh nhân đều có sử dụng nước mắt nhân tạo, trong đó thuốc mắt của EzriCare là thuốc được nhiều người sử dụng nhất. 

    Các triệu chứng được báo cáo ở các bệnh nhân nhiễm khuẩn bao gồm nhiễm trùng giác mạc, máu, đường hô hấp và đường tiết niệu. Trong đó, có 8 trường hợp bị mất thị lực và 4 trường hợp phải cắt bỏ nhãn cầu.

    thuoc nho mat my
    Nước mắt nhân tạo của EzriCare bị thu hồi vì chứa vi khuẩn hiếm gặp gây ra các trường hợp giảm thị lực, tử vong. Ảnh: CNN 

    Ngày 22/3, một báo cáo trên JAMA Ophthalmology đã cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh. Trong đó, một trường hợp là một phụ nữ 72 tuổi bị mất thị lực ở mắt trái sau khi sử dụng nước mắt nhân tạo EzriCare khoảng 1 tuần. 

    Tiến sĩ Ahmed Omar, bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Bệnh viện Cleveland (Mỹ), thông tin: "Bà ấy bắt đầu cảm thấy thị lực mắt trái yếu đi. Ban đầu bà ấy không thấy đau đớn nhưng qua lời kể của bà và chồng, một sáng tỉnh dậy mắt của bà đã chảy ra dịch vàng. Đó là khi bà ấy nhận ra mắt mình bắt đầu thay đổi".

    Bệnh nhân sau đó tới bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ phát hiện có một vết loét trên giác mạc bên mắt trái. Bà đã phải nằm viện 3 tuần, sử dụng kháng sinh loại IV, thuốc nhỏ mắt kháng sinh và can thiệp phẫu thuật. Tình trạng của bà rất phức tạp do bong màng mạch huyết thanh, tích tụ chất lỏng bất thường và cuối cùng bà bị mất thị lực mắt trái.

    Trong khi đó, một trường hợp khác liên quan đến một người đàn ông 72 tuổi bị nhiễm trùng giác mạc do Pseudomonas aeruginosa. Người đàn ông có triệu chứng đau dữ dội và giảm thị lực ở mắt phải nên đã tới khám tại Viện mắt Bascom Palmer ở Miami. Ông cho biết trước đó mắt ông không có vấn đề gì và ông có sử dụng nước mắt nhân tạo của EzriCare. 

    Tiến sĩ Marissa Shoji, bác sĩ nội trú tại viện, người điều trị cho bệnh nhân, cho biết: "Khi chúng tôi kiểm tra mắt phải của ông ấy, giác mạc bị nhiễm trùng nặng. Ông ấy chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ và không thể nhìn thấy các chữ cái do vết loét lớn".

    Tiến sĩ Naomi Gutkind, một bác sĩ nội trú, người cũng đã điều trị cho bệnh nhân, nói rằng ông đã phải sử dụng kháng sinh liều cao để điều trị. 

    Bà Gutkind cho biết: "Các loại thuốc kháng sinh này sẽ cải thiện tình trạng cho bệnh nhân ở một mức độ nào đó, nhưng khi chúng tôi gặp ông ấy hai ngày sau đó, triệu chứng đã tệ hơn. Đó là khi chúng tôi đặt câu hỏi về nước mắt nhân tạo của EzriCare, bởi vì chúng tôi biết loại thuốc có liên quan đến triệu chứng nhiễm trùng kháng thuốc và không đáp ứng với những loại kháng sinh thực sự mạnh". 

    Khi nghiên cứu các mẫu bệnh phẩm từ giác mạc của người đàn ông và thuốc nhỏ mắt EzriCare, các bác sĩ phát hiện một chủng vi khuẩn Pseudomonas đa kháng thuốc.

    Thị lực của bệnh nhân này hiện đã suy giảm đáng kể, chỉ còn ở mức 20/400. Tiến sĩ Guillermo Amescua, bác sĩ nhãn khoa tại Viện mắt Bascom Palmer nhận định: "Một vài thời điểm, ông ấy có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn. Bây giờ thị lực của ông ấy chỉ còn 20/400 và có sẹo giác mạc. Nhưng thông qua biện pháp ghép giác mạc, tiên lượng của ông ấy có thể tốt hơn". 

    Tiến sĩ Shoji cho biết trường hợp này cho thấy rõ những ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của bệnh viêm giác mạc do Pseudomonas. Trong thời gian ngắn, người bệnh có thể bị đau đớn khủng khiếp, giảm thị lực và có nguy cơ bị loét trên mắt khiến nhiễm trùng lan rộng.

    "Về lâu dài, ngay cả sau khi hết nhiễm trùng, vẫn có nguy cơ cần phải phẫu thuật như ghép giác mạc hoặc các loại phẫu thuật khác để giải quyết sẹo", bà Shoji nhấn mạnh. 

    Trong một tuyên bố sau cuộc điều tra của CDC về nhiễm trùng Pseudomonas trong sản phẩm thuốc nhỏ mắt từ ngày 20/1 vừa qua, EzriCare cho biết họ đã "ngay lập tức hành động để ngăn việc phân phối sản phẩm nước mắt nhân tạo này". Công ty nói: "Trong phạm vi lớn nhất có thể, chúng tôi đã liên hệ với khách hàng và khuyến cáo họ không sử dụng sản phẩm thuốc nhỏ mắt này".

    Các bác sĩ tham gia vào các nghiên cứu mới hy vọng rằng bằng cách cung cấp thông tin về các trường hợp này, họ có thể cứu những người khác khỏi những vấn đề tương tự. Trong đó, Tiến sĩ Shoji đã khuyến cáo mọi người không nên sử dụng sản phảm nước mắt nhân tạo của EzriCare cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất. Bà cũng yêu cầu mọi người nên đi khám ngay lập khi xuất hiện các triệu chứng ở mắt bao gồm đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực.

    CDC cho biết các triệu chứng có thể bao gồm dịch tiết ra từ mắt màu vàng, xanh lục hoặc trong suốt; đau mắt hoặc khó chịu; đỏ mắt hoặc mí mắt; cảm giác như có gì đó ở trong mắt; tăng độ nhạy sáng; và giảm tầm nhìn. 

    Minh Hạnh (Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-canh-bao-thuoc-nho-mat-lien-quan-toi-cac-ca-suy-giam-thi-luc-tu-vong-a569855.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan