The Guardian đưa tin ngày 8/3 (giờ địa phương), Ba Lan cho biết họ sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Mỹ, tuy nhiên thông tin này dường như khiến Washington bất ngờ và nhanh chóng bị Lầu Năm Góc bác bỏ.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau cho biết, chính phủ của ông đã “sẵn sàng triển khai - ngay lập tức và miễn phí - tất cả các máy bay phản lực MiG-29 của họ đến Ramstein (căn cứ không quân của Mỹ tại Đức) và trao cho Chính phủ Mỹ toàn quyền quản lý chúng".
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề xuất trên.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, viễn cảnh các chiến đấu cơ khởi hành từ căn cứ “bay vào vùng trời đang có tranh chấp với Nga phía trên Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO”.
Ông John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh Nato khác về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần nhưng chúng tôi không tin đề xuất của Ba Lan là khả thi".
Theo The Guardian, Ba Lan được cho là sở hữu 28 trong số các máy bay chiến đấu cũ từ thời Liên Xô. Họ đã đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về một thỏa thuận 3 bên, trong đó Warsaw sẽ cung cấp các máy bay cho Ukraine, với điều kiện Mỹ sẽ cung cấp cho lực lượng không quân Ba Lan các chiến cơ mới hơn của Mỹ.
Người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã nêu ra ý tưởng tặng máy bay chiến đấu cũ cho Ukraine vào ngày 27/2. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp cả máy bay chiến đấu”. Thông báo này khiến các quan chức Ba Lan có phần khó chịu, họ cho rằng Warsaw đã không được tham vấn một cách hợp lý về động thái có thể khiến nước này gặp rủi ro.
Bộ Quốc phòng Nga không đề cập trực tiếp vấn đề, nhưng cảnh báo bất kỳ quốc gia nào cho phép các máy bay chiến đấu của Ukraine sử dụng sân bay của họ để chống lại người Nga, sẽ bị Moscow coi là tham gia vào cuộc xung đột.
Vụ việc đã làm lộ ra những rạn nứt trong liên minh NATO mà chính quyền Tổng thống Biden phải "vật lộn" để giữ vững bước tiến khi đối mặt với chiến dịch quân sự của Nga. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có cuộc hội đàm với chính phủ Ba Lan tại Warsaw vào ngày 10/3, nơi bà sẽ cố gắng khôi phục một số thiệt hại về mặt ngoại giao, quân đội và lãnh thổ.
Bích Thảo(Theo The Guardian)