Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Nhà Trắng đã áp dụng gói thuế 60 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc vì Bắc Kinh không thực hiện đúng cam kết.
Trung Quốc ‘thiếu chân thành’?
Mỹ muốn buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách kinh tế và thương mại bởi vì lời hứa mở cửa thị trường mà Bắc Kinh đưa ra gần đây không đủ chân thành để thuyết phục Nhà Trắng. Hôm 22/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định áp thuế nhập khẩu lên một số mặt hàng Trung Quốc trị giá tới 60 tỉ USD. Vị quan chức trên khẳng định động thái này nhằm chống lại mối đe dọa rằng Trung Quốc đang nổi lên là một đối thủ công nghệ lớn.
SCMP dẫn lời vị quan chức của Mỹ, khẳng định Bắc Kinh lâu nay vẫn có một kiểu hành vi góp phần vào tình trạng mất cân bằng thương mại. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thất bại trong việc hoàn thành kế hoạch 100 ngày mà 2 quốc gia đã đồng ý vào năm 2017 nhằm mở rộng các dịch vụ tài chính và thị trường nông nghiệp.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu chân thành khi hứa hẹn cải thiện quan hệ thương mại 2 nước. Ảnh: SCMP |
"Chúng tôi nghĩ rằng đó là mục tiêu không quá cao. Chúng tôi hi vọng họ sẽ dễ dàng đạt được kết quả nhưng họ lại bỏ lỡ một nửa danh sách đó", quan chức Mỹ cho hay, nhấn mạnh đến sự tiến triển chậm chạp của các hệ thống thanh toán điện tử và các công nghệ sinh học của Trung Quốc.
Ông Trump đã ký quyết định áp dụng gói thuế mới, bao gồm các khoản thuế khổng lồ đối với hàng hóa của Trung Quốc vì lý do mà ông gọi là ‘sự xâm lăng kinh tế’ của Bắc Kinh. Hành động này được thực hiện sau một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, tuân theo mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Mối quan tâm chủ yếu của Mỹ là sức ảnh hưởng của Bắc Kinh và sự phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc sử dụng các khoản trợ cấp của chính phủ, quy trình cấp phép và các quy định địa phương hoá dữ liệu, cũng như chuyển giao công nghệ bắt buộc để đổi lấy việc tiếp cận thị trường đã khiến các công ty Mỹ bất lợi.
Trung Quốc đáp trả nhưng sẽ sớm nhượng bộ?
Vài giờ sau khi quyết định của Tổng thống Trump được ban bố, Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối bằng kế hoạch áp thuế 3 tỷ USD nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm nông sản và thép.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp khác nhưng một số nhà quan sát cho biết Bắc Kinh chắc chắn sẽ rất thận trọng trong những bước đi sắp tới. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán thế giới hôm 23/3.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm xuống dưới 30.000 điểm vào buổi sáng trước khi đảo chiều và dừng lại ở mức 30.309,29 điểm, giảm 2,45%. Chỉ số Thượng Hải Composite giảm 3,39% trong khi chỉ số Nikkei của Nhật cũng giảm 4,66%.
Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của Mỹ, bao gồm cả ống thép. Ảnh: SCMP |
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết trong một tuyên bố rằng Washington đang hành động để đối đầu với Trung Quốc trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và tấn công mạng. "Mục đích chính của gói thuế là để giải quyết các thực tiễn kinh tế bất công của Trung Quốc và tạo ra một sân chơi công bằng để mọi nhà đầu tư Mỹ có cơ hội thành công nhiều hơn", tuyên bố của ông Lighthizer cho hay.
Mỹ cho biết họ sẽ tiết lộ chi tiết về các sản phẩm Trung Quốc bị ảnh hưởng trong vòng 15 ngày. Trong khi đó, Trung Quốc có kế hoạch áp thuế 15% đối với 120 loại sản phẩm của Mỹ, bao gồm trái cây, rượu vang và ống thép, tổng trị giá lên đến 977 triệu USD. Theo Bộ Thương mại nước này, Bắc Kinh cũng dự kiến áp dụng thuế suất 25% đối với 8 loại sản phẩm khác trị giá 2 tỷ USD, bao gồm thịt lợn và nhôm tái chế.
Các nhà phân tích cho hay phản ứng của Bắc Kinh hiện ở mức vừa phải. "Các biện pháp đối phó của Trung Quốc cần được đưa ra dựa trên phân tích cụ thể, theo từng ngành công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là vì các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi công nghiệp toàn cầu có thể sẽ bị tổn thương bởi các biện pháp đối phó", nhà quan sát Jason Sun nói với SCMP.
Ông Sun Zhe tại Đại học Columbia nói rằng Trung Quốc và Mỹ đã có 3 cuộc đối đầu thương mại chính đối với ngành may mặc trong những năm 1980, sở hữu trí tuệ vào những năm 1990 và tỷ giá trong năm 2005.
"Gần như mọi khi, Trung Quốc đã có nhiều thỏa hiệp trong khi Mỹ cũng phải nhượng bộ. Những hành động của Trung Quốc bây giờ có thể là một động thái biểu thị sự phản đối nhưng các biện pháp sẽ được hạn chế. Và cuối cùng, Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ nhượng bộ bằng nhiều cách, chẳng hạn như cải tổ doanh nghiệp nhà nước", ông Sun Zhe dự đoán.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)