Có những “điều lạ” ở đất Sài thànhthật khó lý giải. Ví dụ như trong chuyện mưu sinh, có những “luật bất thành văn” ai cũng tự giác tuân theo – những “điều luật” mang tính nhân văn.
Trong đó, với nghề bán vé số dạo, việc người đi trước dìu dắt, chỉ dạy kinh nghiệm của nghề cho người đi sau, hay thậm chí nhường điạ bàn cho nhau vô điều kiện, đã trở thành những chuyện rất phổ biến.
Những người bán vé số nương tựa nhau nơi cửa chùa |
Nếu để ý, tại những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở TP.HCM như chùa: Ngọc Hoàng (Q.1), Vĩnh Nghiêm, Pháp Hoa, Xá Lợi (Q.3), Bà Thiên Hậu (Q.5), Giác Lâm, Phổ Quang (Q.Tân Bình), Nam Thiên Nhất Trụ (Q.Thủ Đức)… chúng ta sẽ thấy đa phần những người bán dạo vé số ở đó thường là những người già yếu, người khuyết tật thì “được” ngồi một chỗ, còn những người lành lặn, có sức khỏe hơn thì phải chấp nhận di chuyển theo chân khách trước cửa chùa, hoặc gần cổng chùa, để mời chào.
Hình như họ chưa bao giờ tranh chấp nhau. Thậm chí, họ còn chăm sóc nhau tận tình, dù là những người xa lạ. Trò chuyện với chúng tôi tại chùa Ngọc Hoàng là chị Trần Thị Ngàn 36 tuổi, chị bị teo 2 chân khi lên 3 tuổi. “Em nhớ ngày đầu đến đây, đang không biết phải dừng xe ở đâu để bán thì có một chị cũng bán vé số dạo đẩy phụ xe em vào chùa, rồi chị nói với em ngồi trong sân cho mát, không bị chen lấn và dễ bán. Các anh chị cô chú luôn nhường chỗ mát mẻ, thuận tiện trong sân chùa cho những người đi lại khó khăn như em. Có nhiều lần các anh anh chị còn bán giúp tụi em khi gần giờ xổ nữa..”, chị Ngàn chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tú, 42 tuổi, bán vé số dạo tại chùa Việt Nam Quốc Tự, tâm sự: “Nói chung, những người khuyết tật bán vé số dạo đều là những người không còn đủ sức khỏe để đi hay chen lấn trên đường mỗi ngày, nên mình phải nhường cho họ có chỗ mà bán, chứ họ ở nhà càng khổ hơn. Vả lại, người đi chùa thường hay mua giúp những người đó hơn những người lành lặn như tôi”.
“Lợi thế” duy nhất của những người bán vé số nơi cửa chùa là dễ khơi dậy lòng trắc ẩn, tình nhân ái, tính hào phóng và cả đức tin, niềm hy vọng vào sự mầu nhiệm chốn linh thiêng của những người khách đi lễ Phật”, anh Tú tâm sự.
Trò chuyện với tôi, bà Huỳnh Thị Hợi, 77 tuổi, bán dạo tại chùa Vĩnh Nghiêm, chia sẻ: “Trước đây đôi chân còn khỏe, mỗi ngày tui thường đi bán ở các quán ăn, quán cà phê, quán nhậu ở các con đường thuộc khu vực quận 3 như: Hoàng Sa, Trường Sa, Trần Quốc Thảo, Kỳ Đồng, Nguyễn Thông… Nhưng từ năm 2015 tới nay tui chỉ còn quanh quẩn bán ở chùa Xá Lợi và chùa Vĩnh Nghiêm thôi. Khách lễ chùa ngày đông, ngày vắng, nên thu nhập có giảm chút ít, song được cái không phải bươn chải ngoài đường mưa, nắng đỡ mệt nhọc. Hơn nữa, trong chùa, tôi có thời gian để tĩnh tâm và dưỡng sức”.
Sự giúp đỡ nơi cửa chùa khiến những người có hoàn cảnh khó khăn thấy ấm áp hơn trong bước đường mưu sinh đầy vất vả |
Theo bà Hợi, tâm lý những người đi lễ chùa là cầu an lành, sức khỏe và tài lộc, nên khi lễ Phật xong hầu như ai cũng mua lấy vài tờ vé số với suy nghĩ làm phước và hy vọng may mắn trúng số đổi đời. Chính vì thế, từ lâu ở các ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng vẫn luôn là nơi “đất lành” cho những người già sức khỏe yếu, những người khuyết tật hành nghề bán vé số.
Là một người Hoa đã hơn 6 năm gắn bó với chiếc xe lăn để bán vé số mưu sinh trước cổng chùa Bà Thiên Hậu, bà Tiểu Mẫn, 70 tuổi, lý giải, lượng khách đi lễ chùa chủ yếu đông vào 3 ngày trong tháng, đó là các ngày mùng 1, ngày 15 (rằm) và ngày 30 âm lịch. Nhưng 3 ngày này, số lượng người bán vé số dạo kéo về các ngôi chùa cũng tăng lên gấp nhiều lần ngày thường. “Mà lạ lắm nha, người ta thích mua vé số của Công ty Xổ số Kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẻ, dễ trúng, dễ mua và họ thích ủng hộ địa phương của mình cũng có...”, bà Mẫn chia sẻ.
Bà Mẫn nói thêm: “Sở dĩ tui bám trụ được ở chùa Bà Thiên Hậu ngần ấy năm cũng là nhờ được nhiều phật tử, người quen biết họ thấu hiểu, cảm thương hoàn cảnh tôi mà mua vé số ủng hộ. Đặc biệt, Đại lý vé số thường quan tâm chúng tôi, họ thường nhận giúp chúng tôi món quà từ các công ty. Đặc biệt những món quà của Công ty Xổ số Kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh là rất thiết thực với tôi... Vì thế cuộc sống cho bản thân khá ổn, không phải cậy nhờ phiền lòng con cái”.
Qua tiếp xúc trò chuyện, nhiều người bán vé số ở một số ngôi chùa đều nhận thức rằng, nhờ có những tờ vé số truyền thống, nhờ sự bác ái, độ lượng bao dung của những vị sư trụ trì và các tăng ni, phật tử cảm thông, chia sẻ mà họ có được nguồn thu nhập từ những tờ vé số để tự vươn lên ổn định cuộc sống.
THIÊN KHANG