(ĐSPL) – Trong vòng một ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cả nước xảy ra ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 25 người và 36 trường hợp bị thương.
Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT QG theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), VnExpress đưa tin.
Bên cạnh đó, thống kê chung tai nạn giao thông 3 ngày (từ ngày 27-29/1 - tức ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán Đinh Dậu), theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, toàn quốc xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 112 người, đều là tại nạn đường bộ; đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
Ảnh minh họa. |
Vietnamplus thông tin thêm, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 5.079 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 1,87 tỷ đồng, tạm giữ 10 xe ôtô, 1.546 xe môtô, tước 248 giấy phép lái xe các loại.
Lực lượng cảnh sát đã kiểm tra, xử lý gần 1.400 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt hơn 500 triệu đồng, tạm giữ 2 ôtô, 546 xe môtô, tước 40 giấy phép lái xe các loại.
Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông diễn ra nhiều.
Do đó, Ủy ban An toàn giao thông kiến nghị Công an tỉnh, thành phố tiếp tục huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ đã quy định cụ thể những hình thức xử phạt với hành vi này. Đối với trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc phạt tiền người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. Đối với ôtô - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều 5 của nghị định nói trên, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Tổng hợp