Theo quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau, trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Tuy nhiên đèn chiếu sáng ở đây được hiểu là đèn chiếu gần. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện còn phải sử dụng đèn pha (hay còn gọi là đèn chiếu xa). Đây là loại đèn có cường độ chiếu sáng mạnh, giúp tài xế quan sát được các chướng ngại vật ở xa cũng như biển báo giao thông đường bộ. Đây là loại đèn được khuyến cáo sử dụng khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Nhưng cũng chính vì tính năng đặc thù của loại đèn chiếu xa này, tài xế không nên lạm dụng đèn pha vì cường độ mạnh và góc chiếu cao, đèn pha sẽ gây cản trở tầm nhìn, lóa mắt với lái xe đi ngược chiều khi chiếu thẳng vào mắt tài xế.
Trường hợp nào không được sử dụng đèn pha?
Vậy theo quy định, trường hợp nào người điều khiển phương tiện không được sử dụng đèn pha nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện lưu thông trên đường?
1. Không sử dụng đèn pha trong đô thị và khu đông dân cư
Khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
"Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
...12. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này."
Như vậy, không được sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư. Trong đó:
- Đường đô thị là đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị xã và thị trấn.
- Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).
Khi bắt đầu khu đông dân cư sẽ xuất hiện biển báo R.420 và khi kết thúc khu đông dân cư sẽ xuất hiện biển báo R.421.
2. Không được bật đèn pha khi tránh xe ngược chiều
Điều 17 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tránh xe ngược chiều như sau:.
" 1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa."
Mức xử phạt lỗi bật đèn pha không đúng quy định
Theo quy định tại điểm b, g Khoản 3 Điều 5; điểm m, n Khoản 1 Điều 6, điểm d, e Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Nếu bật đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, khi tránh xe ngược chiều thì người điều khiểu phương tiện sẽ bị xử phạt với các mức sau:
- Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Đối với xe máy (mô tô), xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.