(ĐSPL) - Các văn tự lạ và “trống trời” giải oan này nằm trong động Long Tiên ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trong nhiều năm trở lại đây, nói đây là một địa chỉ tâm linh. Theo dư luận, những người có oan khuất trong lòng, muốn chứng minh cho sự trong sạch của mình, chỉ cần đến đây đánh ba hồi trống thì về sau chắc chắn được giải oan.
Độc đáo quần thể thơ, văn khắc trong hang đá
Động Long Tiên nằm ở chân núi Tử Trầm, một ngọn núi nổi tiếng với loại đá hoa cương trắng và rừng sưa trăm tuổi một thời nổi danh khắp vùng. Từ xưa, núi Tử Trầm đã là một danh thắng nổi tiếng, trước đây từng là chốn lui tới của các bậc văn nhân và quý tộc đến để thăm thú, thưởng lãm cảnh trí.
Động Long Tiên là một trong những chốn dừng chân, từng được biết đến là nơi chúa Trịnh Sâm đặt hành dinh. Hiện trong động còn có dấu tích của những lỗ tra võng để chúa nằm. Cảnh trí nên thơ, núi trắng, rừng sưa, sông sen uốn lượn đã khơi nguồn thi hứng cho biết văn nhân đến đây. Tức cảnh sinh tình, không ít bậc văn nhân đã làm thơ phú, rồi thuê thợ khắc lên đá các bài thơ của mình để lưu hậu thế. Trải qua thời gian dài, nhiều thế hệ văn nhân đã để lại trong động Long Tiên một hệ thống các bài thơ, văn chạm khắc công phu và hiện được người dân ở xã Phụng Châu bảo vệ cẩn trọng.
Theo lời kể của những người dân, thì các văn tự khắc trong hang động Long Tiên là các bài thơ, văn và có sớm nhất vào cuối thế kỷ XIX.
Các bài thơ văn khắc trên hình con rùa trước cửa động. |
Người động chủ đầu tiên của động Long Tiên là ông Hoàng Trọng Phu (lúc này là Tổng đốc Hà Đông) về sinh sống và lập đền thờ Phật và các thần trong hang động. Chính tên tuổi của vị động chủ Hoàng Trọng Phu đã gây tò mò cho không ít khách làng văn. Cũng với lý do đó, mà động Long Tiên đã trở thành nơi hội ngộ văn chương. Từ đó, số lượng các bài thơ trong động Long Tiên càng nhiều lên. Tất cả các bài thơ này đều có chung một đề tài là xướng họa cảnh trí, non nước ở núi Tử Trầm. Tuy chung một đề tài, nhưng mỗi người lại chọn cho mình một thể thơ, phú khác nhau. Người sau phải tìm cách thể hiện một cách mới mẻ, không trùng lặp với người trước nhưng vẫn phải nhắc được các địa danh ở núi Trầm như chùa Vô Vi, động Long Tiên, suối Yến... Chính vì thế, số lượng 20 bài thơ, văn khắc trên đá là những bài thơ được cho là đặc sắc nhất, sáng tạo nhất viết về nơi đây.
Theo sự mách bảo của người dân, chúng tôi cầm sẵn chiếc đèn pin trên tay vào động Long Tiên để được mục sở thị các bài thơ, văn nổi danh này. Ngoài trời là ban ngày nhưng trong động thì tối, ánh sáng đèn pin bị phản quang bởi hàng ngàn những hạt cát thạch anh trên vách động tạo nên cảm giác lung linh, huyền ảo. ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi khám phá hang động này đó chính là các văn tự được chạm khắc tỉ mỉ trên thân tảng đá hình rùa nằm chắn giữa cửa động. Ông Nguyễn Văn Thịnh, một hướng dẫn viên tình nguyện nơi đây cho biết, các văn tự trên thân con rùa là khắc ghi thơ của vua Khải Định, Hoàng Trọng Phu và Đinh Xuân Lạc (một nhà sư nổi tiếng đầu thế kỷ XX), những người từng về thăm động và vãn cảnh trí núi Tử Trầm.
Một bài thơ đặc sắc được khắc trên vách đá ở động Long Tiên. |
Tiến vào cửa hang, chúng tôi thấy một quần thể các bài văn thơ khắc trên vách đá. Với độ dài, ngắn khác nhau, được bố trí thuận theo điều kiện tự nhiên của vách hang, các bài thơ đã đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dưới ánh sáng của đèn pin, các văn tự hiện lên sắc nét. Tất cả các tác phẩm khắc ghi trong hang động này gần như được bảo vệ một cách nguyên vẹn như thuở ban đầu. Điều độc đáo nhất, chính là sự phong phú trong cách thể hiện và nét chữ được khắc trên các vách đá nơi đây. Theo quan sát và cảm nhận của chúng tôi, gần 20 tác phẩm khắc trên đá là 20 phong cách chữ có cá tính riêng, không trộn lẫn. Nét chữ ở đây uốn lượn, bay bổng, tài hoa hiếm gặp. Nếu đem so sánh nét chữ được khắc trên vách đá ở động Long Tiên với các văn bia khác ở các chùa mà ta thường gặp không khó để cảm nhận sự khác biệt hoàn toàn.
Chính điều độc đáo này khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Bởi, nét chữ cho thấy, chủ nhân của nó phải là những nhà Nho có học vấn cao rộng, có tâm hồn phóng khoáng mới có thể có được nét chữ đẹp như vậy. Với những người thợ khắc đá thì rất khó để họ có được nét chữ bay bướm và có phong cách rõ ràng. Sự ăn nhập đến khó tin của nét chữ với nội dung thơ, văn khiến người ta có cảm tưởng chính các nhà thơ đang viết lên vách đá vậy. Khi hỏi về điều này, người hướng dẫn cũng không thể giải thích được tường tận. Ông Thịnh chỉ biết rằng, để có được những bài thơ khắc trên đá trông thấy như ngày hôm nay, tương truyền những người thợ khắc đá ở Phụng Châu phải bỏ công sức, lập giàn giáo, làm việc công phu nhiều ngày trời mới hoàn thiện được một tác phẩm hoàn chỉnh.
Thực tế, theo các nhà nghiên cứu về văn tự trên bia đá, để khắc nét chữ mang đậm dấu ấn của tác giả sáng tác ra thơ văn và có ý định lưu lại trên vách động là điều không khó. Để các bản khắc chữ của những người thợ khắc đá giữ được nét chữ của tác giả bài thơ thì các văn nhân chỉ việc viết lên vách đá bài thơ của mình, người thợ thủ công chỉ việc chạm khắc theo nét chữ đó. Với cách làm này, người thợ khắc không chỉ lưu lại được nội dung bài thơ mà còn giữ được nét chữ của tác giả và đó cũng là lý do vì sao 20 bài thơ là 20 nét chữ có cá tính riêng biệt.
“Trống trời” giải oan phù người ngay thẳng
Trong một khuôn viên vừa phải nhưng động Long Tiên lại có được 20 bài văn thơ của các bậc văn nhân khắc lên vách động là điều hiếm có. Cảnh động càng huyền ảo hơn khi kèm theo đó là những câu chuyện lưu truyền về hang động nước quanh năm không bao giờ cạn. Nó được ví như một chiếc máy điều hòa khổng lồ luôn giữ cho nhiệt độ trong hang mát hơn ngoài trời vào mùa hè và ấm hơn vào mùa đông.
Trong quá trình thăm động, PV báo Đời sống và Pháp luật ghi nhận được thông tin hết sức thú vị. Đó là trong động có một chiếc “trống trời”. Chiếc trống này thực tế là một nhũ đá lớn do địa chất kiến tạo hàng triệu năm mới thành. Phía trong nhũ đá đó có một hốc đá sâu, lọt tay người. Người dân chỉ việc đưa tay vào và vỗ vào thành đá thì có tiếng động ầm ầm như sấm rền. Tiếng kêu đinh tai khiến chúng tôi hết sức bất ngờ. ông Thịnh cho biết, chính tiếng kêu đinh tai đó nên người dân vùng này gọi đó là “trống trời”. Họ tâm niệm rằng, hễ có ai oan sai thì đánh ba hồi trống, lập tức Ngọc Hoàng sẽ minh oan cho người đó. Theo ông Thịnh, để được linh ứng thì người bị oan nên đánh trống vào giờ Tý hàng đêm, bởi tương truyền, đó là khung giờ lành.
Cũng theo người dân quanh vùng này, với hệ thống các tượng Phật, các thần được thờ trong động thì giai thoại về “trống trời” càng khiến cho động Long Tiên có một sức mạnh tâm linh trong lòng người dân. Họ cho rằng, có nhiều người đến đây đánh trống kêu oan, không biết do thần tiên phù hộ ra sao, nhưng sau đó đến làm lễ tạ.
Sinh thời nơi Bác Hồ từng đến nơi này Động Long Tiên không chỉ nổi tiếng về các bài thơ, văn khắc trên vách đá cùng với “trống trời” giải oan mà nơi đây còn lưu dấu hình bóng của Bác Hồ. Được biết, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ từng đến động Long Tiên và cũng chính nơi đây Bác đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi vào đêm 20/12/1947. Bác Hồ từng đọc thơ của các văn nhân khắc trên vách đá... |