+Aa-
    Zalo

    Mục sở thị ngôi làng nghìn tuổi nức danh đất Bắc bằng nghề "khảm hồn vào gỗ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với lịch sử ngót 1.000 năm, trải qua bao sóng gió thăng trầm, nghề khảm trai được người dân xã Chuyên Mỹ lưu truyền từ đời này qua đời khác

    Làng Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một trong những làng nghề nổi tiếng về nghề khảm trai. Với lịch sử ngót 1.000 năm, trải qua bao sóng gió thăng trầm, nghề khảm trai được người dân xã Chuyên Mỹ lưu truyền từ đời này qua đời khác và liên tục phát triển, tạo nên sức sống bền bỉ cho một làng nghề cổ ở Hà Nội.

    Vị tướng truyền nghề cho làng

    Theo truyền thuyết, nghề khảm ở Chuyên Mỹ do ông Trương Công Thành, một vị tướng dưới thời Lý truyền dạy cho dân làng Chuôn Ngọ. Thần phả đình làng Chuôn Ngọ kể rằng: Vào thời kỳ nhà Lý, về phía Nam kinh thành Thăng Long ở phường Ngọ, Chuyên Mỹ, huyện Quảng Uyên có đôi vợ chồng ông Trương Công Huy và bà Trần Thị Mai ước mong có một người con trai.

    Một đêm bà nằm mộng thấy hào quang sáng rực, một con rồng trắng bay vào nhà hóa thành bông sen hương thơm ngát, bà hái lấy bông sen đó và coi như vật báu. Ít lâu sau bà mang thai và sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Thành.

    Nghề khảm ở Chuyên Mỹ xuất hiện từ thời nhà Lý.

    Ngay từ khi còn nhỏ, Trương Công Thành rất chăm chỉ học và nổi tiếng thông minh, năm 17 tuổi thi đỗ Thái Học Sinh và làm đến chức Tướng Công Phù Quảng Bá, được Lý Đạo Thành gả con gái là Lý Tố Hương cho.

    Khi quân Tống sang xâm lược, ông được triều đình cử giữ chức Tây Đạo Tướng Quân Tham Tán, phò Nguyên Soái Lý Thướng Kiệt đem quân Bắc phạt.

    Sau khi dẹp giặc, bờ cõi yên bình, Trương Công Thành từ quan, quy y Phật pháp và đi du sơn du thủy. Một lần trên bãi biển, ông bắt gặp một loài thủy vật nằm trên cát, không có ruột mà chỉ còn vỏ. Cậy lớp bên ngoài thì thấy vân ngũ sắc rất đẹp, ông mang về nhà để bày chơi.

    Sau khi tìm hiểu kỹ trong sách thì thấy đó là con Xà Cừ. Trong một lần nhàn rỗi, thấy vỏ Xà Cừ có nhiều lớp với nhiều màu sắc khác nhau, ánh đẹp như ngọc, ông ghép thử vào câu đối sơn then, chữ cũ màu nâu thấy rất đẹp.

    Ông tiếp tục ra biển lấy về nhiều con Xà Cừ nữa và làm nên một bức hoành phi một câu đối. Ông liền truyền lại cách làm cho dân làng Chuôn Ngọ. Nghề khảm xà cừ đã được hình thành từ đó.

    Trải qua biết bao nhiêu đời không ai còn nhớ nữa, người dân thôn Chuôn Ngọ đã biết mài mỏng trai, ốc, biết làm ra cưa dũa và dao tách để làm dụng cụ. Càng ngày, nghề khảm càng phát triển, làm ra nhiều mặt hàng tinh xảo khác nhau như khay, hộp khảm, tranh khảm và nhiều mặt hàng khảm khác ra đời... Nét đặc sắc của tranh khảm trai Chuôn Ngọ mà hầu như chưa có nơi nào đạt được là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít, tạo thành những đường nét tinh xảo. Chi tiết trang trí trên khảm trai cũng rất sinh động, đặc sắc và có hồn.

    Công đoạn khảm trai

    Nghề làm khảm trai gỗ có 6 công đoạn cơ bản, bao gồm: Vẽ mẫu cho bức tranh (vẽ trên giấy), cưa trai theo nét vẽ, đục gỗ và gắn trai vào gỗ (gắn bằng keo hoặc sơn ta), mài khảm, thể hiện đường nét và cuối cùng là dùng bột đen sơn ta để làm rõ các chi tiết của bức tranh. Sau khi để khô 1 ngày thì cho vào máy mài, và đánh vecni là công đoạn cuối cùng. Bên cạnh khảm trai còn có thêm khảm sơn mài. Để làm được nghề phải là người tỉ mỉ và kỹ tính, nhu mì.

    Chất liệu khảm xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc. Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng (Pinctada maxima), thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh. Làng nghề cổ truyền thường có những tên riêng cho các loại trai như “trai cửu khổng” (tức bào ngư), “diệp xù”, “trai cánh”, “trai Nông Cống”. Tuy nhiên những danh từ này chưa được hợp nhất với tên khoa học.

    Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: Vẽ họa tiết lên các mảnh vỏ trai, cắt gọt các họa tiết đó, can-ke họa tiết đã được cắt gọt lên nền vóc sơn, đục sâu nền vóc sơn để cẩn họa tiết trai vào, sơn kẹt lấp kẽ hở giữa vỏ trai và nền sơn, sơn thí toàn bộ nền vóc, để ủ trong buồng ẩm cho sơn khô, mài nền sơn thí để thể hiện rõ các họa tiết trai, sơn thí lần thứ hai, sơn khô lại mài như trên, sơn quang, ủ khô rồi mài đánh bóng, tách các họa tiết cho rõ nền vỏ trai, gọt tỉa bằng mũi dao trổ các chi tiết vẽ nhỏ trong mảng trai, xoa mực nho lọt vào các nét được khắc lõm.

    Nét tinh tế của nghề khảm trai Chuyên Mỹ.

    Nghề khảm trai là một nghề đòi hỏi phải có trình độ thẩm mỹ cao và năng khiếu bẩm sinh. Công nghệ sản xuất có nhiều công đoạn phức tạp, thường được chuyên môn hóa rất cao như: Vẽ kiểu, dũa, đục, tác và đánh bóng.

    Dù hiện tại công nghệ sản xuất đã hiện đại hơn như sử dụng máy để mài trai. Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật thật sự với các chi tiết tinh xảo lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú – điều chỉ có thể đạt được khi người thợ nhẫn nại làm thủ công ở tất cả các công đoạn.

    Họ miệt mài với những mảnh xà cừ, với từng thớ gỗ để gìn giữ hồn cốt dân tộc, tạo nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.Chính vì vậy mà ở thôn Ngọ, truyền thống hiếu học, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong nghề nghiệp, tối lửa tắt đèn có nhau luôn được hòa quyện, xuyên suốt quá trình lịch sử của làng và của nghề.

    Vươn ra thế giới

    Giờ không còn chỉ là làng Chuôn Ngọ làm nghề khảm tranh nữa, mà dọc trục đường cả 7 làng trong xã Chuyên Mỹ đều tràn ngập cửa hàng bán đồ khảm trai ốc, đủ các hình loại. Có làng thì tách biệt hẳn, chỉ mua bán vật liệu trai ốc, chuyên cung cấp cho các xưởng làm tranh. Có làng chuyên làm tranh cỡ to. Có làng lại khảm tranh nhỏ hay đồ dân dụng.

    Đường làng đã thành phố hàng. Nhà nào cũng bày hàng bán, nào là tranh thư pháp, tranh tích cổ, tranh tứ bình; hoặc các sản phẩm thường dùng trong sinh hoạt như hộp phấn, khay, bình, lọ, hay kể cả những hộp đựng tăm, thuốc lá, các-vi-dít, dây đeo cổ... Tất cả đều khảm hình ảnh hoa lá, tre trúc, chim muông bằng trai ốc tùy theo sở thích của người tiêu dùng, với giá cả hết sức đa dạng.

    Sự phát triển làng nghề trong xã Chuyên Mỹ hơn 30 năm qua khá rầm rộ. Hàng xuất khẩu đi các nước và khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Đến 97% dân trong xã mưu sinh bằng nghề khảm trai ốc. Lực lượng lao động lên tới 5.000 người kể cả những công nhân ở các địa phương đến làm thuê.

    Số nghệ nhân có tay nghề vững vàng, có tên tuổi trong làng ngày một đông. Thanh niên trong xã Chuyên Mỹ đều không đi đâu xa. Họ học khảm, học khắc ngay tại làng, làm giàu bằng chính nghề cha ông truyền lại.

    Ngày nay, các sản phẩm khảm trai, ốc của Chuyên Mỹ ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người thợ dựa trên những bí quyết công nghệ hết sức nghiêm ngặt, tỉ mỉ và phức tạp được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ khác nhau.

    Nguyên liệu dùng cho nghề khảm trai ngày nay ở Chuyên Mỹ gồm đủ loại không chỉ trong nước mà còn cả nhập của nước ngoài như Hồng Kông, Singapore, Indonesia... Sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ thể hiện tính độc đáo, trí tuệ của những người thợ thủ công, đồng thời phản ánh tính thời đại và tính hữu dụng cũng như tính thẩm mỹ, tạo nên một sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được nhiều người ưa chuộng, trong đó có cả những khách hàng khó tính ở châu Âu, châu Mỹ.                                                

    Thanh Bình

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muc-so-thi-ngoi-lang-nghin-tuoi-nuc-danh-dat-bac-bang-nghe-kham-hon-vao-go-a253186.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan