(ĐSPL) - Mức lương bình quân mỗi tháng của người lao động EVN năm 2015 là gần 13,7 triệu đồng, cao hơn mức 12,3 triệu đồng năm 2014 và gần 10,8 triệu đồng năm 2013.
Tin tức trên VnEconomy, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo hoạt động giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2015 đạt gần 243.700 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 209.200 tỷ đồng năm 2014 và 187.800 tỷ đồng năm 2013.
Giá bán điện bình quân của EVN năm 2015 ước đạt 1.629,8 đồng /kWh, tăng 18\% so với mức giá bán lẻ điện bình quân năm 2013. Nhờ vậy, hiệu quả doanh thu bán điện của EVN tăng thêm 1.800 tỷ đồng.
Trái ngược xu hướng tăng của giá điện, lợi nhuận EVN ngày càng lao dốc. Năm 2015, mức lợi nhuận trước thuế là 4.595 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2013.
EVN là doanh nghiệp nhà nước chi mạnh cho sự phát triển của lưới điện quốc gia, giá trị đầu tư mỗi năm đều vượt 100.000 tỷ đồng. Năm 2015, EVN chi tới 120.900 tỷ đầu tư phát triển, trong đó chủ yếu đến từ các nguồn vốn vay, vốn bảo lãnh Chính phủ.
Đến cuối năm 2015, EVN sử dụng tổng cộng 104.616 lao động với tổng quỹ lương là 17.198 tỷ đồng. Quỹ lương này tăng 9,5\% so với năm 2014 (15.700 tỷ đồng), và tăng 25,68\% so với năm 2013 (13.683 tỷ đồng).
Điều này cho thấy, mức lương bình quân mỗi tháng của người lao động EVN năm 2015 là gần 13,7 triệu đồng, cao hơn mức 12,3 triệu đồng năm 2014 và gần 10,8 triệu đồng năm 2013.
Tính đến cuối năm 2015, EVN đã đầu tư 106.200 tỷ đồng vào 9 công ty con và một số công ty liên kết.
Công ty cũng đã thoái vốn ngoài ngành ở lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản. Tổng giá trị thoái vốn đạt 2.044 tỷ đồng, lãi 64 tỷ.
Mức lương bình quân mỗi tháng của người lao động EVN năm 2015 là gần 13,7 triệu đồng, cao hơn mức 12,3 triệu đồng năm 2014 và gần 10,8 triệu đồng năm 2013. (Ảnh minh họa). |
Báo cáo của EVN cũng cho thấy, tổng số khách hàng sử dụng điện đến cuối năm 2015 là 23,68 triệu khách - tăng 1,27 triệu khách hàng so với năm 2014.
Năm 2016, EVN đặt giá bán điện bình quân năm 2016 khoảng 1.651 đồng mỗi kWh. Trong khi đó, mức thực hiện của năm 2015 mà Bộ Công Thương đang quy định là 1.622 đồng.
Mở rộng đầu tư khiến EVN trở thành gánh nặng nợ công của Chính phủ. Tính đến cuối năm 2015, EVN được Chính phủ bảo lãnh khoảng 10 tỷ USD nợ.
Sản lượng điện tháng 7/2016 tăng 11,56\%
Thông tin trên báo Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 7/2016, đơn vị đã nỗ lực cung cấp đủ điện ổn định, an toàn đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 1.
Theo đó, tháng 7/2016, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 16,64 tỷ kWh. Sản lượng ngày cao nhất đạt 568,2 triệu kWh, công suất cao nhất đạt 27.789 MW. Lũy kế 7 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 105,15 tỷ kWh, tăng 12,57\% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng ước đạt 16,02 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng năm 2016, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 101,79 tỷ kWh, tăng 12,05\% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thủy điện chiếm 30,86\%, nhiệt điện than chiếm 38,93\%, tua-bin khí chiếm 28,16\%, nhiệt điện dầu chiếm 1,03\%, nhập khẩu chiếm 1,14\% (trong tháng 7/2016 đã tạm dừng mua điện Trung Quốc ở cấp 220kV).
Tháng 7/2016, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 13,97 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng năm 2016, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 90,45 tỷ kWh, tăng 11,56\% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, điện thương phẩm nội địa tăng 11,69\%; điện cấp cho công nghiệp - xây dựng chiếm 52,7\% tăng 10,63\%, điện cấp cho thương mại chiếm 5,4\% tăng 17,7\%, điện cấp cho quản lý và tiêu dùng chiếm 34,9\% tăng 10,21\%; điện cấp cho nông nghiệp chiếm 2,3\% tăng 48,66\%; điện cấp cho thành phần khác chiếm 4,6\% tăng 11,77\%.
Bên cạnh việc đảm bảo cấp điện, cuối tháng 7/2016, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty/đơn vị điện lực tích cực phòng chống ứng phó và nhanh chóng khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng của cơn bão số 1.
Mặc dù, hệ thống điện tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, nhưng ngay sau khi bão tan, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của công nhân điện lực nên chỉ sau 1 tuần, EVN đã khôi phục lại toàn bộ hệ thống điện, cấp điện an toàn trở lại cho các khách hàng, đặc biệt là các trạm bơm tiêu úng cứu hơn 200.000 ha lúa bị ngập.
Đối với lưới điện 500-220kV dù có xảy ra 2 sự cố đường dây sáng sớm 28/7 nhưng đã được khôi phục ngay sau đó. Đối với lưới điện 110kV, có 28 đường dây 110kV bị sự cố do bão và đến 07h00 ngày 29/7 đã khôi phục hoàn toàn lưới điện 110kV.
Một số khu vực bị ảnh hưởng nhẹ đã được khắc phục ngay và cấp điện ổn định trở lại trong ngày 28/7. Riêng đối với 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình), các đơn vị đã khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện khắc phục, trong đó đặc biệt ưu tiên khôi phục cấp điện cho các phụ tải quan trọng và các trạm bơm tiêu úng. Đến ngày 29/7 đã khôi phục cấp điện cho các trạm bơm đầu mối quan trọng nhất để bơm nước tiêu úng cứu lúa và hoa màu. Đến hết ngày 31/7 đã khắc phục xong các sự cố đường trục lưới trung áp và hiện tại lưới điện phân phối của các xã cuối cùng ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề của bão đã được các đơn vị khôi phục vận hành ổn định.
Do có sự chuẩn bị tốt, nên các hồ chứa thủy điện thuộc EVN vận hành bình thường, không xả lũ. Các nhà máy điện thuộc EVN vận hành bình thường.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin